Xã hội

Chợ Mới (Bắc Kạn): Nuôi bò sinh sản giúp người dân thoát nghèo

Quán Dũng 23/04/2024 - 17:06

Huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) chú trọng đa dạng hóa các mô hình sinh kế trên cơ sở vừa phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương, vừa phù hợp mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Trong đó, huyện quan tâm đến nhiều hoạt động khuyến nông như tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao khoa học - công nghệ thâm canh, trợ giúp vốn sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi…

Xác định công tác giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua huyện Chợ Mới luôn quan tâm thực hiện nhiều biện pháp giảm nghèo, trong đó đang tập trung 3 chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Chợ Mới đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện xây dựng, nhân rộng những mô hình giảm nghèo nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo về vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất, giúp người lao động có thêm việc làm….tăng thu nhập.

Nhiều mô hình khuyến nông giảm nghèo nông thôn được chú trọng xây dựng và nhân rộng. Điển hình là mô hình hỗ trợ vốn hộ nghèo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi bò sinh sản, góp phần giảm nghèo tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn ở xã Bình Văn.

6edb60ae87bb29e570aa.jpg
Nuôi bò sinh sản giúp người dân huyện Chợ Mới thoát nghèo

Mô hình hỗ trợ sinh kế phù hợp với đặc thù địa phương này đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho xã Bình Văn. Hiện nay, xã có trên 59 con bò. Đây là vật nuôi chủ lực giúp cho các hộ dân nông thôn tăng thu nhập, ổn định sinh kế, vươn lên thoát nghèo và lập thân lập nghiệp.

Được nhận hỗ trợ từ dự án, chị Triệu Thị Chung (xã Bình Văn) phấn khởi chia sẻ, gia đình chị nghèo, không có đất canh tác phải làm thuê, làm mướn kiếm sống. Với con bò sinh sản được hỗ trợ, hằng năm, chị sẽ có thêm thu nhập nhờ vào tiền bán bê con để ổn định cuộc sống gia đình.

a72e851f620acc54951b.jpg
Với con bò sinh sản được hỗ trợ, hằng năm, người dân sẽ có thêm thu nhập nhờ vào tiền bán bê con để ổn định cuộc sống gia đình.

Tương tự anh Nguyễn trọng Thắng (hộ cận nghèo ở xã Bình Văn) nói : "Vợ chồng tôi không có đất canh tác, phải làm thuê, nên thu nhập bấp bênh. Được hỗ trợ con giống từ dự án chăn nuôi bò sinh sản, tôi làm chuồng nuôi, tận dụng nguồn cỏ trong tự nhiên làm thức ăn cho bò. Mô hình khá phù hợp với điều kiện của gia đình, cũng là hướng đi mới để có thêm thu nhập nuôi hai con ăn học".

Trâu, bò là tài sản lớn của người dân miền núi, khi một hộ dân được hỗ trợ 1 cặp để nuôi sinh sản, vài năm sau có thể phát triển thành đàn. Bán một con trâu người dân có thể thu về vài chục triệu đồng, đây là nguồn thu nhập lớn với đồng bào miền núi. Ngoài nuôi trâu bò, xã cũng định hướng, hỗ trợ người dân trồng cây hồng không hạt, là loại cây trồng rất phù hợp với đất đai khí hậu của địa phương và cho thu nhập cao.

59e9676e807b2e25776a.jpg
Huyện Chợ Mới rất quan tâm công tác giảm nghèo, thoát nghèo, thường xuyên chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chủ tịch HTX Hoàn Lan, để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, UBND xã đã khai hoang hơn 2 ha đất hoang hóa ở vùng Trầm Bàng để thực hiện dự án “Trồng cỏ có hệ thống nước tưới”. Hiện nay, dự án có 19 hộ tham gia, trong đó ưu tiên những hộ tham gia chương trình giảm nghèo, qua đó chủ động nguồn thức ăn cho bò, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò. Bên cạnh đó, các hộ cũng tự trồng cỏ trong vườn nhà, các thửa đất khó sản xuất để chủ động thức ăn chăn nuôi, với diện tích khoảng 4 ha. Ngoài ra, sau mỗi vụ thu hoạch,bà con còn chuẩn bị thức ăn khô cho bò vào mùa mưa rét bằng việc tích trữ rơm, rạ, tinh bột khoai, sắn,…

Ông Vũ Hùng - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2025 kết quả ra soát hộ nghèo trên địa bàn huyện Chợ Mới giảm. Cụ thể, năm 2022 giảm (2-2,5%) tỷ lệ hộ nghèo, kết quả giảm 285 hộ (2,83%) vượt chỉ tiêu kế hoạch. Năm 2023 tổng số hộ nghèo 1.686/10.447 hộ, giảm 16,14% so với thời điểm rà soát cuối năm 2022 là 285 hộ (2,83%). Tổng số hộ cận nghèo là 1.114/10.447 hộ, tỷ lệ 10,66% giảm so với thời điểm rà soát cuối năm 2022 là 16 hộ (0,21%).

Theo ông Hùng, những năm qua, chính quyền huyện Chợ Mới rất quan tâm công tác giảm nghèo, thoát nghèo, thường xuyên chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Từ các nguồn lực, huyện đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, đa dạng mô hình sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài,…qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững.

Quán Dũng