ĐBSCL chủ động ứng phó hạn, mặn từ sớm, từ xa:“Sống khỏe” với hạn, mặn
(TN&MT) - Thời gian qua, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp chính quyền và sự chủ động, linh hoạt thay đổi thói quen trong sinh hoạt và thực hiện các mô hình sản xuất thuận theo điều kiện thời tiết, nguồn nước đã giúp cho nhiều hộ dân vùng ĐBSCL “sống khỏe” trong thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt.
Mô hình thuận thiên
Trước đây cứ đến mùa khô, nhiều người dân ở các xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang lại lo lắng vì ruộng vườn cạn nước ngọt, nước mặn từ biển Tây xâm nhập vào kênh, rạch ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Khoảng 5 năm trở lại đây, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, hàng chục hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất 2 vụ lúa/năm sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, điều này không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, mà còn thích ứng tốt với điều kiện thời tiết, nguồn nước.
Ông Trần Bảo Bình - Tổ trưởng tổ Hợp tác sản xuất tôm - lúa ở ấp 7, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ cho biết: “Từ sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2015 - 2016, nhiều hộ nông dân ở ấp 7 đã chuyển đổi sản xuất từ 2 vụ lúa/năm sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm. Mới đây, khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, các thành viên trong Tổ Hợp tác đã cùng nhau cải tạo lại đất, be bờ, rải vôi và đưa nước mặn từ các kênh rạch lên ruộng để nuôi tôm sú, tôm càng xanh...
Gần đây, người dân huyện Long Mỹ cũng đã mạnh dạn chuyển hàng chục ha đất chuyên trồng lúa sang trồng 1 vụ lúa, 2 vụ cây màu hoặc 3 vụ cây màu. Theo ngành chức năng huyện Long Mỹ, tính riêng trong năm 2023, diện tích chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây màu gần 42ha, hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi sang cây màu cao gấp 1,7 đến 3,1 lần so với trồng lúa 3 vụ.
Khoảng 7 năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (ấp 9, xã Lương tâm, huyện Long Mỹ) đã chuyển hẳn 7 công đất trồng lúa 2 vụ/năm sang trồng luân canh cây màu như dưa lê, đậu bắp, mướp hương, bí,… “Với 7 công trồng cây màu này, sau khi trừ đi tất cả các chi phí đầu tư thì gia đình tôi cũng còn lời hơn 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa và trồng màu, cũng đỡ tốn công sức hơn so với trồng lúa, nhất là không còn phải nơm nớp lo sợ hạn hán, xâm nhập mặn như trước đây nữa” - ông Sơn phấn khởi nói.
Sắm lu, kiệu… trữ nước
Ngoài việc linh hoạt chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn, người dân các địa phương vùng ĐBSCL cũng đã chủ động trang bị các vật dụng dùng để trữ nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Khoảng 3 năm nay, trước khi bước vào mùa khô, nhiều hộ gia đình ở các huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lại mua sắm vài cái lu, kiệu để chứa nước mưa.
Theo ông Hà Văn Tư (ấp Long Sơn, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp), hiện nay, hầu hết các hộ gia đình ở xã Long Thạnh đều sắm lu, kiệu chứa nước, có hộ kinh tế khá giả một chút thì sắm thêm thùng nhựa, thùng inox với dung tích hàng ngàn lít để lấy nước mưa tích trữ. Thời điểm này đã vào cuối mùa khô 2023 - 2024, gia đình ông vẫn đảm bảo đủ nguồn nước sử dụng.
Thực tế ghi nhận tại các địa phương, người dân đã ý thức được những lợi ích mang lại từ việc tích trữ nước trong các lu, kiệu, thùng... nhất là vào thời điểm diễn ra mặn xâm nhập. Ông Nguyễn Thanh Nhã (thị Trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: "Do có sự chủ động trong việc tích trữ nước vào cuối mùa mưa năm rồi, nên đến thời điểm này, nguồn nước trong các lu, kiệu cộng thêm với nước máy vẫn đảm bảo phục vụ ăn, uống hàng ngày của gia đình tôi chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt".
Còn bà Trần Thị Năm (ấp Thạnh Thới, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho hay: “Trước khi bước vào mùa khô năm nay, gia đình tôi đã đầu tư hàng chục triệu đồng để xây gần 20 ống hồ chứa nước mưa bằng bê tông dùng cho sinh hoạt gia đình. Đến thời điểm này, lượng nước ngọt vẫn đảm bảo cho các sinh hoạt hàng ngày”.