Thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản: Rà soát để gỡ vướng
(TN&MT) - Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản cũng như quản lý trữ lượng khoáng sản trong quá trình khai thác đã đạt được nhiều kết quả đáng kể nhưng vẫn còn những vấn đề tồn tại.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, cần rà soát, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản ở cấp Trung ương và địa phương, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật về khoáng sản trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Theo Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, trữ lượng khoáng sản sau khi phê duyệt/công nhận là căn cứ pháp lý quan trọng để lập Dự án đầu tư khai thác khoáng sản trước khi cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và lập Thiết kế khai thác mỏ sau khi cấp phép.
Mặt khác, trữ lượng khoáng sản được phê duyệt còn là thông tin, số liệu, dữ liệu quan trọng để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả trong từng thời kỳ, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.
Với vai trò, ý nghĩa của công tác phê duyệt trữ lượng khoáng sản, để nâng cao chất lượng công tác phê duyệt, quản lý chặt chẽ trữ lượng khoáng sản trong quá trình khai thác nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, chống lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản, có một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về khoáng sản trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Bất cập trong phân cấp trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
Nêu thực tế về công tác này trong thời gian qua, ông Lại Hồng Thanh - Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, trong khu vực hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá thải mỏ) và ngược lại, trong khu vực hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm cấp phép của địa phương (Lạng Sơn, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai…) có khoáng sản đi kèm thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT (đá ốp lát, đá nguyên liệu xi măng, đá vôi công nghiệp...).
Vấn đề đặt ra là trong trường hợp đó, thủ tục để tổ chức, cá nhân được thăm dò/khai thác các loại khoáng sản như thế nào? Việc chuyển thẩm quyền phê duyệt/công nhận trữ lượng ra sao để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh thủ tục hành chính rườm rà, gây lãng phí khi điều chỉnh Giấy phép. Vấn đề bất cập, tồn tại này cần được giải quyết triệt để trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Bên cạnh đó, về quy định phân cấp trữ lượng khoáng sản đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đến nay, Bộ TN&MT đã ban hành các Thông tư quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ mà chưa quy định hướng dẫn công tác phân cấp trữ lượng đối với nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh.
Vì lý do đó, trong thực tế khi phân cấp trữ lượng đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình thẩm định, phê duyệt của các địa phương còn lúng túng khi gặp các loại khoáng sản đi kèm, khoáng sản khác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT (đá khối, đá nguyên liệu xi măng, vôi công nghiệp...) như đã nêu trên.
Gỡ vướng vấn đề trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác
Ông Lại Hồng Thanh cho biết thêm, theo khoản 6 Điều 30 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, việc thi công thăm dò khoáng sản được giám sát trên cơ sở các quy định của Giấy phép thăm dò và Đề án thăm dò khoáng sản và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản.
Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 44/2016/TT-BTNMT quy định nội dung công tác giám sát thi công đề án thăm dò khoáng sản. Những năm qua, công tác giám sát thăm dò theo các quy định nêu trên đã được tuân thủ khá tốt.
Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm pháp lý của đơn vị giám sát thi công khi thực hiện chưa tốt (phát hiện sự thay đổi về khối lượng, hạng mục công trình thăm dò vượt quá 10% nhưng không báo cáo cấp có thẩm quyền để yêu cầu tổ chức, cá nhân thăm dò báo cáo để cấp có thẩm quyền cho phép) dẫn tới khó khăn khi trình phê duyệt tại Hội đồng/UBND cấp tỉnh.
Vấn đề này cũng cần được rà soát, bổ sung quy định cụ thể trong Dự thảo Luật để phân định, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản với đơn vị giám sát thi công Đề án thăm dò khoáng sản.
Về vấn đề trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác, trữ lượng khoáng sản (trữ lượng địa chất) trong Báo cáo thăm dò sau khi được phê duyệt là cơ sở để tổ chức, cá nhân lập Dự án đầu tư khai thác khoáng sản trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tại thời điểm lập Dự án không như giá trị đã xác định tại thời điểm phê duyệt trữ lượng. Mặt khác vì lý do các vấn đề về liên quan đến khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản mà khi xác định trữ lượng khoáng sản huy động vào thiết kế khai thác thường nhỏ hơn trữ lượng địa chất đã phê duyệt.
“Luật Khoáng sản 2010 mới chỉ quy định về khu vực khai thác tại Điều 52 mà chưa quy định cụ thể về “trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác”. Trong khi đó, các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ chưa thống nhất nội dung này, dẫn tới nhiều địa phương có cách hiểu khác nhau trong quá trình xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Do đó, trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần thống nhất nội dung này để làm cơ sở Chính phủ hướng dẫn thống nhất trong quá trình thực hiện”, ông Lại Hồng Thanh đề xuất.
Đối với vấn đề quản lý, cập nhật, bổ sung trữ lượng khoáng sản trong quá trình khai thác, ông cũng đề xuất, Dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm “thăm dò nâng cấp”, “thăm dò bổ sung”, “thăm dò khai thác”, để làm cơ sở Chính phủ hướng dẫn; quy định rõ quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để thực hiện cũng như thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản (sau khi cập nhật)…