Môi trường

Yên Bái phát triển trồng rừng gỗ lớn

Bài và ảnh: Thanh Ngà 23/04/2024 - 12:08

(TN&MT) - Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái phát triển trồng rừng gỗ lớn, đem lại lợi ích kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 trồng mới 10.000ha rừng gỗ lớn, cùng với đó, đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện có.

Thay đổi tư duy

Tỉnh Yên Bái đề ra kế hoạch cụ thể về phát triển rừng, trong đó tập trung vào trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu trồng mới 10.000ha rừng gỗ lớn.

Để thực hiện đề án đó, toàn tỉnh đã và đang tích cực phát triển trồng rừng gỗ lớn. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ đã triển khai được 7 mô hình trồng cây gỗ lớn có giá trị.

z5361780180915_401a665e6c7795c67ef6a3c494e9f092-2-.jpg
Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái (bên phải) tham quan mô hình trồng cây vù hương của gia đình anh Hiền tại xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình.

Trong đó, tập trung chủ yếu các xã Phú Thịnh, Thịnh Hưng và Tân Nguyên của huyện Yên Bình; xã Đào Thịnh, Hưng Thịnh của huyện Trấn Yên; xã Khánh Thiện của huyện Lục Yên. Ngoài ra, có 22 hộ tham gia Dự án Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ do Trường Đại học Lâm nghiệp hỗ trợ; có 7 tổ hợp tác, hợp tác xã được trao hỗ trợ xây dựng Quỹ tín dụng xanh tại xã Tân Nguyên, xã Thịnh Hưng của huyện Yên Bình và xã Đào Thịnh, xã Tân Đồng của huyện Trấn Yên với tổng kinh phí hỗ trợ 95 triệu đồng.

Nhận thức rõ việc phát triển rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tiết kiệm cây giống, giảm chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh, hạn chế suy thoái đất, bảo vệ môi trường rừng, ứng phó biến đổi khí hậu, vì vậy, những năm trở lại đây, gia đình anh Lê Mai Hiền - Thôn Minh Tiến, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình đã chuyển sang trồng rừng gỗ lớn với các cây giống chủ yếu là vù hương và dổi.

Mới đây, gia đình A Hiền tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh Yên Bái phối hợp với Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại, Hội Nông dân huyện Yên Bình hỗ trợ gia đình anh trồng 1,5ha cây vù hương, anh Hiền cho biết: Năm 2023, gia đình anh đã dành gần 2ha đất trồng rừng để trồng cây gỗ lớn là vù hương và dổi. Sau hơn 1 năm, hai loại cây này phát triển và sinh trưởng rất tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương. Đến giờ, cây phát triển cao từ 1,5 - 2m, cành lá xanh tốt, ít sâu bệnh và mất ít công chăm sóc. Ngay từ đầu năm 2024, gia đình anh tiếp tục được Hội Nông dân huyện hỗ trợ trồng mới 1,5ha, đến giờ cây phát triển rất tốt.

Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Với hướng đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt trên 500 ngàn m3; hình thành vùng trồng rừng gỗ lớn với diện tích trên 40.000ha; đưa tỷ lệ gỗ xẻ từ 25% - 30% hiện nay lên trên 60% vào năm 2025; phấn đấu đưa Yên Bái trở thành trung tâm sản xuất lâm nghiệp công nghệ cao ở khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025. Vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng rừng gỗ lớn luôn được các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng.

Ông Vũ Đức Đoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình cho biết: Trồng cây gỗ lớn đến khi khai thác thời gian phải đạt từ 12 - 15 năm tuổi. Hiện nay, sinh kế của bà con nông dân vẫn tập trung vào rừng 7 - 8 năm tuổi đã khai thác, đây là những khó khăn trong việc triển khai phát triển cây gỗ lớn. Hiện nay, địa phương đang phối hợp với các sở, ngành cùng các phòng, ban của huyện tiếp tục tuyên truyền và vận động bà con nhân dân xây dựng một số mô hình điểm, từ đó, phát triển dần cho các hộ khác trên địa bàn xã.

Thông qua Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II trên địa bàn tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp hỗ trợ 16.390 cây giống như: Vù hương, dổi, tếch cho các hộ hội viên nông dân trên địa bàn huyện Trấn Yên, Yên Bình và Mù Cang Chải tham gia xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh.

Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: Chương trình FFF II đã từng bước tạo sự gắn kết cộng đồng trong nông dân, nông thôn, giúp thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo tín hiệu thị trường để tạo ra sản phẩm hữu cơ, có giá trị kinh tế cao. Qua đó, đã nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Ngoài ra, ngành Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cũng đã lập kế hoạch, chỉ đạo cụ thể để phát triển rừng cây gỗ lớn. Nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn đã hình thành tại các huyện Yên Bình, Trấn Yên, từ đó đã tác động trực tiếp đến tư duy trồng rừng của nhiều người dân địa phương.

Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và độ che phủ của rừng, thiết thực đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, nâng cao đời sống cho nhân dân, đảm bảo môi trường sinh thái, đưa sản xuất lâm nghiệp trở thành động lực để người dân giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

Bài và ảnh: Thanh Ngà