Biến đổi khí hậu

ĐBSCL chủ động ứng phó hạn, mặn từ sớm, từ xa:Bảo vệ an toàn các vùng sản xuất nông nghiệp

Khánh Ly (thực hiện) 23/04/2024 - 11:42

(TN&MT) - Rút kinh nghiệm từ các đợt hạn, mặn nghiêm trọng trước đây, cơ quan chức năng và các địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống từ sớm, từ xa, huy động các lực lượng và người dân cùng vào cuộc.

ong-phong.jpg
Ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT).

Để hiểu rõ hơn về hiệu quả triển khai các công tác này, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT).

PV: Thưa ông, hiện đang là giai đoạn gần cuối mùa khô. Ông có đánh giá như thế nào về tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đến đời sống, dân sinh ở vùng ĐBSCL?

Ông Nguyễn Tùng Phong:

Theo khoanh vùng nguy cơ ảnh hưởng vào thời điểm ban đầu tháng 9/2023, Bộ NN&PTNT xác định tổng cộng có khoảng 56.260ha lúa vụ Đông Xuân, 43.300ha cây ăn trái và chỉ đạo khuyến cáo tới địa phương. Bằng nhiều giải pháp ứng phó, toàn bộ diện tích lúa trong vùng khuyến cáo đã được đẩy sớm thời vụ, đến nay đã thu hoạch hoặc trong giai đoạn chín (cắt nước), bảo đảm không bị thiệt hại. Các vùng cây ăn trái vẫn an toàn.

Hiện, trà lúa Đông Xuân vùng ĐBSCL đã thu hoạch đạt trên 90%. Diện tích chưa thu hoạch còn khoảng 100 nghìn ha, trong đó, chỉ có khoảng 1.531ha (Sóc Trăng 1.531ha, Bến Tre 50ha) có nguy cơ giảm năng suất. Ngoài ra, đã có 43ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng. Đây là các diện tích người dân xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo khoanh vùng sản xuất an toàn.

Về tình trạng thiếu nước sinh hoạt, tính đến ngày 15/4, có khoảng 74 nghìn hộ bị thiếu nước tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong đó, riêng tỉnh Bến Tre có tới 25.000 hộ và Kiên Giang 20.000 hộ. Nguồn nước ngọt trong kênh bị cạn kiệt cũng khiến các vùng ngọt hóa ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang đã xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở đất ven kênh, rạch, ảnh hưởng đến đi lại và nhà cửa của người dân. Tổng cộng hiện có 901 điểm bị sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài 23,4km tại Cà Mau và Kiên Giang.

Các địa phương đã xây dựng kế hoạch chi tiết phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tuy vậy, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nguồn nước về ĐBSCL thiếu hụt kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn tăng cao. Hiện có 4 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp thiên tai: tỉnh Tiền Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông; tỉnh Kiên Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán, khu vực vùng đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng; tỉnh Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, U Minh; tỉnh Long An công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn cấp độ 4 trên địa bàn tỉnh.

PV: Công tác dự báo sớm và chủ động triển khai các giải pháp đã giúp sản xuất nông nghiệp ít bị thiệt hại, tình hình thiếu nước cũng trong phạm vi kiểm soát. Thực tiễn triển khai các giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tùng Phong:

Từ thông tin dự báo chuyên ngành nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên phạm vi cả nước, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cung cấp sớm cho các địa phương từ tháng 9/2023; liên tục cập nhật theo tuần/tháng và đột xuất khi có diễn biến bất thường, bao gồm việc xác định rõ các diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đây là cơ sở để tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó, đặc biệt việc tổ chức xuống giống sớm và vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước.

Kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương đã chủ động tổ chức các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT. Đến nay thiệt hại ở mức thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Toàn bộ diện tích cây trồng được khuyến cáo thuộc vùng ảnh hưởng được bảo vệ an toàn.

h5.jpg
Các địa phương vùng ĐBSCL đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân

Cùng với vận hành công trình thủy lợi hợp lý để trữ nước, việc tăng cường đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao trữ nước phân tán theo quy mô hộ/nhóm hộ gia đình, góp phần bảo đảm chủ động cung cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm trong thời gian ảnh hưởng xâm nhập mặn. Đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho các hộ bị ảnh hưởng, như hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước (Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu); thiết lập các điểm cấp nước công cộng (Tiền Giang với 50 điểm cấp nước); tổ chức cấp nước luân phiên (Long An), đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước, mở rộng tuyến ống (Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng); khoan bổ sung giếng khai thác hoặc sử dụng các giếng sẵn có nhưng tạm chưa khai thác (Long An); sử dụng thiết bị lọc mặn, quan trắc độ mặn để vận hành công trình hợp lý (Bến Tre).

PV: Với vai trò giảm tác động của hạn mặn trên phạm vi toàn vùng, các giải pháp công trình đã phát huy hiệu quả như thế nào trong mùa khô năm nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Tùng Phong:

Năm 2024, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành lên 3 tháng, đưa vào vận hành và khai thác sớm góp phần hỗ trợ ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ khoảng 800.000 người dân của tỉnh Tiền Giang.

Một số công trình thủy lợi mới được xây dựng vài năm gần đây vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả như: Cống Âu Ninh Quới; trạm bơm Xuân Hòa; các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm, 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1; Nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu… Các công trình này đã giúp chủ động trực tiếp kiểm soát và hỗ trợ kiểm soát xâm nhập mặn, giảm thiểu phần lớn thiệt hại.

Các công trình thủy lợi mới cùng với các công trình sẵn có đã giúp vùng ĐBSCL chủ động kiểm soát xâm nhập mặn các khu vực cách biển từ 40 - 65km. Với những năm xâm nhập mặn ở mức trung bình nhiều năm, các công trình thủy lợi cơ bản kiểm soát xâm nhập mặn chủ động với tổng cộng diện tích canh tác 1,25 triệu ha.

Với những năm xâm nhập mặn tăng cao hơn trung bình nhiều năm như năm 2015 - 2016, 2019 - 2020, 2023 - 2024, các công trình thủy lợi có thể kiểm soát khoảng 60 - 70% diện tích cần bảo vệ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (thực hiện)