Môi trường

Thanh Hóa: Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Thu Thủy 23/04/2024 - 10:11

(TN&MT) - Chủ động khắc phục tồn tại và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hiệu quả đã giúp tỉnh Thanh Hóa cải thiện đáng kể công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây, đặc biệt, các điểm nóng về môi trường được xử lý kịp thời, nhận thức của người dân về BVMT được nâng lên.

Vẫn còn những tồn tại

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Tại các đô thị, rác thải và nước thải chưa được thu gom, xử lý triệt để; hệ thống tiêu, thoát nước đã xuống cấp, nhiều nơi xảy ra tình trạng ngập nước khi có mưa lớn kéo dài, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. Hạ tầng xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt và rác sau phân loại ở nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ; Nhiều bãi rác quá tải so với công suất thiết kế ban đầu; Tiến độ thực hiện dự án trọng điểm để xử lý rác thải trên địa bàn còn rất chậm (Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn; Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Nhà máy xử lý rác thải phường Quảng Minh, TP. Sầm Sơn); hạ tầng cơ sở để triển khai xử lý rác thải đã phân loại còn thiếu.

mt2.jpg
Nhiều hoạt động BVMT, thu gom rác thải được triển khai tại khu vực miền núi Thanh Hóa

Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn tại các huyện miền núi còn nhiều hạn chế, cơ bản mới chỉ triển khai ở khu vực thị trấn. Tại các vùng nông thôn, nhiều người dân chưa được sử dụng nước sạch, nhiều hộ gia đình thiếu công trình vệ sinh tối thiểu. Tập quán, thói quen ở một số vùng còn lạc hậu, người dân chưa có ý thức bảo vệ nguồn nước, giữ gìn vệ sinh môi trường. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học vẫn diễn ra phổ biến ở các vùng nông thôn.

Khu vực ven biển hiện đang bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt, một số nơi khó khăn trong việc bố trí đất làm bãi rác, nơi có thì chật hẹp, rác để lộ thiên không được chôn lấp và xử lý... Nhiều hộ gia đình sống ven biển không có các công trình vệ sinh, chất thải sinh hoạt thải trực tiếp ra biển.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng ở một số khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hoạt động xen kẽ trong các khu dân cư vẫn chưa được giải quyết. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chậm xử lý; nước thải sinh hoạt, chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý triệt để. Công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải rắn nguy hại còn nhiều khó khăn, chưa có mô hình thu gom, xử lý phù hợp với đặc thù của địa phương. Trong khi đó, cấp huyện còn thiếu chủ động trong việc kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về môi trường trên địa bàn; chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT…

Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường được triển khai

Để khắc phục những tồn tại trong công tác BVMT, năm 2023, Sở TN&MT Thanh Hóa đã tổ chức triển khai Luật BVMT 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành. Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện chương trình phối hợp hành động BVMT 2023. Triển khai mô hình thu gom, phân loại, tái chế, giảm thiểu rác thải sinh hoạt tại thôn Son, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước và tổ chức thực hiện mô hình điểm “Phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dễ phân hủy làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” tại 2 xã Vân Am và Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc.

Triển khai thực hiện giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các KCN, CCN, làng nghề, lưu vực sông…; trong đó, tập trung giám sát các cơ sở, khu vực có hoạt động sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tỷ lệ KCN, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Tổ chức 179 Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thẩm định trình UBND tỉnh cấp 85 giấy phép môi trường. Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu đô thị, khu dân cư vào các KCN, CCN, khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc tiêu hủy phế thải của các doanh nghiệp sản xuất giầy, may mặc trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra, giám sát tại 60 cơ sở theo Kế hoạch giám sát môi trường tại các cơ sở sản xuất sau khi có Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Thực hiện chương trình lấy mẫu đối chứng giám sát việc vận hành Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Tiếp nhận và xử lý 45 kiến nghị phản ánh của tổ chức, cá nhân về vấn đề môi trường. Sở đã chủ trì giải quyết 24/45 đơn kiến nghị, có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý 21/45 đơn kiến nghị. Sở TN&MT đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với 18 đơn vị, số tiền 1,47 tỷ đồng. Trên cơ sở báo cáo của 27 huyện, thị xã, thành phố, ước tính tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh năm 2023 khoảng 914.410 tấn (tương đương 2.506 tấn/ngày), khối lượng rác thu gom và xử lý là 839.837 tấn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt: 91,8%. Môi trường nông thôn tại khu vực tỉnh Thanh Hóa đến nay đã được cải thiện đáng kể, nhiều công trình cung cấp nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường cho nhân dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh được đầu tư xây dựng, góp phần đáng kể cho công tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu Thủy