Xã hội

“Tiếp lửa” để phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu

Việt Anh 22/04/2024 - 21:50

(TN&MT) - Khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với bất kỳ ai. Với phụ nữ dân tộc thiểu số, điều đó càng khó khăn hơn. Nhưng với quyết tâm vươn lên, không ít chị em phụ nữ ở những bản làng miền núi xa xôi đã mạnh dạn, tự tin thực hiện có hiệu quả ý tưởng khởi nghiệp gắn liền với tài nguyên bản địa, phát huy những thế mạnh địa phương.

Khát vọng làm giàu từ mảnh đất quê hương

Tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa 2023 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, nhiều dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số đã được lựa chọn và giành được giải cao. Trong số 33 Dự án khởi nghiệp được lựa chọn vào vòng chung kết toàn quốc, có 7 Dự án khởi nghiệp là phụ nữ dân tộc thiểu số (chiếm 21,2%). Đây đều là các Dự án/ý tưởng có tính đổi mới sáng tạo, khả năng đăng ký sở hữu trí tuệ, khả năng thương mại hóa, và có tiềm năng phát triển, nâng cao giá trị nguồn lực, tài nguyên bản địa; tạo việc làm, nâng cao vị thế cho phụ nữ...

Là người đoạt giải Nhất cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa năm 2023" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã Toàn Thương (Lạng Sơn) được nhiều người biết đến khi xây dựng được mô hình trồng cây hồng vành khuyên hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 phụ nữ dân tộc thiểu số với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/1 tháng.

vuong-thi-thuong-khoi-nghiep-voi-hong-vanh-khuyen-treo-gio-1-1697675648.jpg
Chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã Toàn Thương (Lạng Sơn) được nhiều người biết đến khi xây dựng được mô hình trồng cây hồng vành khuyên hiệu quả

Chia sẻ về thành công của mình, chị Thương cho biết, lớn lên dưới tán cây hồng nên chị hiểu về giá trị của loại cây này. Tuy nhiên, để phát triển có quy mô và đem lại hiệu quả kinh tế, cần phải đầu tư bài bản và khoa học. Với mong muốn đó, từ năm 2017, chị đã tự tìm hiểu và làm nhiều mẻ hồng vành khuyên treo gió nhưng vẫn chưa thể thành công. Mãi đến cuối năm 2021, chị may mắn được tham gia chuyến học tập kinh nghiệm về sản xuất hồng treo gió tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; thăm xưởng chế biến và được hướng dẫn, chia sẻ về kinh nghiệm, cũng như quy trình sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản, chị quyết định đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000 m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và mua sắm thêm các máy móc, thiết bị, như: Máy gọt vỏ, máy hút chân không… với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng.

Sau nhiều khó khăn, thăng trầm, cuối cùng những nỗ lực của chị đã được đền đáp. Đến nay, Hợp tác xã Toàn Thương đã sản xuất thành công sản phẩm hồng vành khuyên treo gió và bước đầu có sản phẩm đạt chất lượng để cung cấp ra thị trường. Năm 2022, Hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ với 10 hộ dân và 2 hợp tác xã khác với tổng diện tích 20 ha trồng theo hướng hữu cơ, sản lượng thu được 160 tấn/năm. Dự kiến năm 2023, Hợp tác xã chế biến 150 tấn hồng tươi, thu được thành phẩm 30 tấn, doanh số đạt 12 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng/năm.

cac_san_pham_cua_htx_po_my_duoc_quang_ba_tai_nhieu_hoi_cho_trien_lam_1.jpg
Cô gái Lưu Thị Hòa (dân tộc Cờ Lao, ở huyện Đồng Văn, Hà Giang) đánh thức tiềm năng trên cao nguyên đá Hà Giang

Một trong những phụ nữ đoạt giải thưởng Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 gây nhiều ấn tượng nhất chính là cô gái Lưu Thị Hòa (dân tộc Cờ Lao, ở huyện Đồng Văn, Hà Giang). Với tình yêu quê hương và nhìn thấy những tiềm năng trên vùng cao nguyên đá quanh năm mây phủ, Hòa mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ vào tháng 10/2017. Hợp tác xã có nông trại rộng 2.700 m2 với quy trình khép kín, trồng, sản xuất, kinh doanh một số nông sản, đặc sản: Mật ong bạc hà, cây ăn quả lâu năm, rau củ ngắn ngày…

Với những kiến thức đã học được, Hòa tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều vùng, miền. Đồng thời, mở một chuỗi cửa hàng “Về bản” tại Hà Nội. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh bước đầu đạt trung bình mỗi tháng vài trăm triệu đồng. Hiện nay, Hợp tác xã Po Mỷ đã có gần 6.000m2 nông trại với quy trình khép kín, tạo việc làm cho 12 lao động địa phương đều là người dân tộc thiểu số.

Có thể nói, phát huy những giá trị tài nguyên bản địa, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã khởi nghiệp với niềm đam mê, nhiệt huyết, tinh thần đổi mới sáng tạo, khát khao làm giàu. Nhiều dự án khởi nghiệp của các chị đã được vinh danh tại vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023, cũng như nhiều cuộc thi khởi nghiệp trên toàn quốc, cho thấy nghị lực phi thường của phụ nữ với quyết tâm vươn lên mạnh mẽ, chứng minh một tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt.

Khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ của phụ nữ

Những năm qua, với sự hỗ trợ từ Hội phụ nữ các cấp, nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công nhờ sự nỗ lực của bản thân. Từ các hoạt động của Đề án Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, các cấp Hội đã khích lệ, động viên, hỗ trợ các ý tưởng, đề án gắn với việc thành lập các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ. Trong giai đoạn 2017 - 2022, Hội đã hỗ trợ thành lập hơn 800 hợp tác xã và 10.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý.

Chia sẻ về kết quả của Đề án này, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động, tích cực tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phát huy sức sáng tạo, tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức phù hợp.

_phuong-hop-minh.jpg
Khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ của phụ nữ vươn lên làm giàu

Đặc biệt, qua 6 năm triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, sự hỗ trợ của các địa phương, các bộ, ngành và sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ của Hội Phụ nữ các cấp, đã có trên 80 nghìn ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được hỗ trợ; trên 70 nghìn phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 5 nghìn tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập; hơn 60 nghìn doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kết nối các nguồn lực để phát triển.

Theo bà Hà Thị Nga, những thành công của phụ nữ trên con đường khởi nghiệp đã góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê, khát vọng sáng tạo, đổi mới và cống hiến, đóng góp trong các tầng lớp phụ nữ. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ Việt Nam trong hành trình khởi nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia các mô hình kinh tế đa dạng như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể... để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng với Hội Phụ nữ các cấp triển khai đề án hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp để chị em xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương. Các cấp Hội tăng cường phối hợp phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, tổ liên kết; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất… nhằm nâng cao năng lực hội viên, nhất là Ban quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết.

Việt Anh