Xã hội

Huyện Kim Sơn (Ninh Bình): Hỗ trợ nông dân chăn nuôi hiệu quả

Bảo Hà 22/04/2024 - 20:36

Triển khai Dự án đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Huyện Kim Sơn đã phân công cán bộ phụ trách theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” cùng xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với ý định, mong muốn của hộ nghèo, cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 2,71%. (dự kiến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 2,13%)

17e0f357-2be1-43d1-aaac-8087e5cb56ee.png
Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình nuôi gà thương phẩm trên địa bàn là dự án trực tiếp hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đây là dự án nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch giảm nghèo bền vững của huyện, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.

Thông qua dự án còn thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trên địa bàn huyện, phát triển quy mô sản xuất từ hộ gia đình đến kinh tế trang trại và liên kết hợp tác sản xuất giữa các hộ, các xóm, từng bước hình thành nền sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa, từ đó ngày một nâng cao tiềm lực kinh tế của địa phương.

Điển hình như xã Thượng Kiệm, xã Cồn Thoi, xã Hùng Tiến, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình nuôi gà thương phẩm trên địa bàn là dự án trực tiếp hỗ trợ con giống, một phần thức ăn, kỹ thuật cho các hộ tham gia phát triển sản xuất, giảm nghèo hiệu quả. Phấn đấu đưa thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án tăng 20% - 25%/năm, bình quân mỗi năm có từ 20-40% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo bền vững.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Cam - một hộ nghèo tham gia dự án tại xóm 4, xã Thượng Kiện cho biết: Trước đây bà cũng đã nhiều năm nuôi gà, nuôi lợn. Vài năm gần đây do dịch bệnh cũng như giá cả thị trường bấp bênh nên việc chăn nuôi bị dừng lại. Nay bà muốn chăn nuôi lại nhưng không có vốn. May có dự án hỗ trợ của huyện của xã, bà rất phấn khởi vì được hỗ trợ 140 con gà cùng một phần thức ăn và được cán bộ thú y xuống tận nhà hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.

tran-xuan-sinh-x7.png
Đàn gà của gia đình ông Trần Xuân Sinh dự kiến trong tháng tới sẽ xuất bán.

Cùng chung quan điểm với bà Cam, ông Trần Xuân Sinh ở xã Thượng Kiện cho biết, đàn gà phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, do mới chăn nuôi giống gia cầm này lần đầu, nên ông Sinh cũng gặp một số khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của ngành chức năng trong việc hướng dẫn chăm sóc, chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, đàn gà nhà ông Sinh phát triển khỏe mạnh, dự kiến trong tháng tới sẽ xuất bán. Với giá hiện tại khoảng 90.000 – 120.000 đ/kg đồng/kg, lứa gà này sẽ giúp gia đình bà đem về lợi nhuận lớn.

Dự án đa dạng hóa sinh kế, nuôi gà thương phẩm trên địa bàn xã Thượng Kiệm, năm 2023 có 15 hộ chăn nuôi, trong đó có 7 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, 3 hộ mới thoát nghèo và 1 hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Đây là các hộ có nguyện vọng đăng ký tham gia thực hiện dự án, đã được rà soát lựa chọn theo tiêu chí đảm bảo có nhân lực trong độ tuổi lao động, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và tư liệu sản xuất cần thiết để chăn nuôi gia cầm với số lượng từ 100 con trở lên. Trong số các hộ thực hiện dự án có một hộ sản xuất kinh doanh giỏi được lựa chọn tham gia để giúp đỡ, tư vấn các hộ nghèo, hộ cận nghèo về phương pháp, kinh nghiệm trong suốt quá trình chăn nuôi từ khâu chọn giống, thức ăn, chăm sóc, phòng bệnh đến tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Dự án đa sinh kế giảm nghèo có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng tới đối tượng là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện dự án nghiêm túc và hiệu quả. Đặc biệt, sẽ cắt giảm tối đa chi phí quản lý để số tiền hỗ trợ cho các hộ dân được cao nhất.

dinh-van-thu-xom-1.png
Trên địa bàn xã Thượng Kiệm, năm 2023 có 15 hộ chăn nuôi, trong đó có 7 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, 3 hộ mới thoát nghèo và 1 hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Với tinh thần khẩn trương tích cực, dự án đã được triển khai thực hiện ngay sau khi được phê duyệt. Tổ cộng đồng dự án đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục thanh quyết toán ngân sách và trực tiếp liên hệ chọn mua con giống, thức ăn gia cầm cấp cho các thành viên trong tổ. Đến nay, các hộ nghèo tham gia dự án đều đã được cấp đủ số gà giống là 140 con gà lai chọi, đủ 20 ngày tuổi, trọng lượng đạt 200g/con. Qua kiểm tra, các hộ gia đình sau khi tiếp nhận gà giống đã vệ sinh chuồng trại, thực hiện tốt quy trình chăn nuôi theo hướng dẫn, đàn gà thích nghi nhanh và đang phát triển tốt.

Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã cử cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y đến tận hộ gia đình, hướng dẫn các hộ thực hiện mô hình và hỗ trợ về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn gia cầm và phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện gia đình nhằm tận dụng triệt để nguồn thức ăn tự nhiên, sẵn có ngay tại gia đình. Định kỳ phân công cán bộ chuyên môn kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án để đánh giá tiến độ, chất lượng của dự án. Phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến dự án đảm bảo dự án đạt hiệu quả.

Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn cho biết: Trong thời gian tới, huyện đề ra phương hướng là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội và các chế độ, chính sách, ưu đãi dành cho họ. Tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, huy động mọi nguồn lực từ công tác xã hội hóa, các nguồn vốn lồng ghép để hỗ trợ cho người nghèo. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y đến tận hộ gia đình, hướng dẫn các hộ thực hiện mô hình và hỗ trợ về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn gia cầm để đạt hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, giúp người dân tăng thu nhập mở ra một nghề mới trong chăn nuôi trên địa bàn, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Bảo Hà