Quảng Trị: Phụ nữ chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, gây quỹ tình thương
Xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những nội dung trọng tâm của công tác hội và phong trào phụ nữ, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều phong trào “Chống rác thải nhựa”, đồng thời gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án “Phụ nữ Quảng Trị thực hiện phong trào giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường, hướng tới cộng đồng phát triển bền vững”, giai đoạn 2021-2025. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên phụ nữ về công tác bảo vệ môi trường, thu gom phân loại và xử lý rác tại nguồn.
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với địa phương như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường; tổ chức ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải tại nơi công cộng; tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, tổng dọn vệ sinh các tuyến đường khu dân cư vào chiều thứ bảy hàng tuần; trồng cây xanh; thu gom phân loại rác thải tại hộ gia đình; vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; chăm sóc các tuyến đường hoa gắn với thực hiện “Đoạn đường phụ nữ tự quản”.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng thường xuyên trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình tại các hộ gia đình. Tổ chức các chương trình “Đổi rác tái chế lấy làn nhựa, nhu yếu phẩm, cây xanh, các vật dụng phòng chống dịch Covid-19”. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 250 mô hình “Ngôi nhà xanh” gây quỹ tình thương; 121 mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Dùng làn nhựa đi chợ”. Năm 2023, các mô hình “Ngôi nhà xanh” tổ chức thu gom ve chai được hơn 654,2 triệu đồng gây quỹ. Quỹ này được dùng để trao tặng thẻ bảo hiểm y tế, quà, hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Đơn cử, tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng là một trong những điểm sáng về thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn áp dụng cho hộ gia đình. Từ năm 2022 đến nay, các chi hội phụ nữ đã thực hiện mô hình “Thu gom phế liệu - Đổi triệu cây xanh”. Kinh phí thu được từ bán ve chai, các chi hội tiến hành trao tặng vườn cây ăn quả, cây tràm, tạo sinh kế cho các hộ hội viên phụ nữ gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc hỗ trợ bằng hình thức khác cho các hội viên nghèo.
Theo đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hải Hưng, mô hình này không chỉ giúp chị em biết phân loại, xử lý rác thải mà mô hình còn mang lại giá trị nhân văn khi tạo ra được nguồn quỹ để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trong các chi hội phụ nữ. Trong năm 2022, từ nguồn kinh phí thu được từ ve chai, Hội đã hỗ trợ 1 vườn cây tràm với số lượng 1.000 cây; 7 vườn cây ăn quả, 2 vườn mẫu; 21 suất quà cho các gia đình hội viên phụ nữ khó khăn. Hội Liên hiệp phụ nữa xã sẽ tiếp tục cố gắng để duy trì và phát huy tốt mô hình này trong thời gian tới.
Thôn Trà Lộc là đơn vị đầu tiên của huyện Hải Lăng phát động mô hình phân loại, xử lý rác sinh hoạt tại nguồn. Tham gia mô hình, hội viên phụ nữ đã được tập huấn, hướng dẫn cách nhận biết rác thải hữu cơ, rác vô cơ, rác thải nhựa để phân loại một cách tỉ mỉ và xử lý phù hợp, tránh gây ô nhiễm môi trường. Ban đầu, mô hình chỉ có 460 hộ dân tham gia nhưng đến nay đã nhân rộng ra 6 thôn của toàn xã, với tổng số 981 hộ gia đình tham gia. Mỗi gia đình tham gia mô hình được hỗ trợ 2 sọt rác.
Các hộ tham gia mô hình hiện nay đều đã biết phân loại rác thải hằng ngày, biết xử lý rác một cách an toàn cho môi trường. Đối với rác thải hữu cơ phân hủy được thì các gia đình tổ chức chôn lấp trong vườn. Còn với rác thải không thể phân huỷ, hoặc tái chế như vỏ lon bia, rác thải nhựa rắn và một số loại như bìa cát tông, giấy… các chi hội gom bán ve chai tạo quỹ tình thương hằng tháng hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo, đau ốm đột xuất, mắc bệnh hiểm nghèo với trị giá mỗi suất từ 200-300.000 đồng.
Nhờ các cấp Hội chủ động sáng tạo trong công tác truyên truyền vận động và hiệu quả mà mô hình mang lại đã ngày càng thu hút đông đảo cán bộ hội viên tham gia, từ chỉ có hơn 30% gia đình hội viên phụ nữ tham gia đến nay toàn tỉnh đã vận động được 88 xã với 37.739 thành viên tham gia mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, trong đó có 248 mô hình “Phân loại xử lý rác tại hộ gia đình”.
Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp cũng như sự đồng lòng, chung tay nỗ lực của các cấp hội đã làm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng đối với việc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Sự tham gia của hộ gia đình vào việc phân loại rác thải tại nguồn đã góp phần bảo vệ môi trường cũng như thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.