Xã hội

Hải Dương: Bảo tồn giống cây trồng bản địa quý

Kiên Cường 22/04/2024 - 19:18

Nhiều loại cây trồng là giống bản địa của tỉnh Hải Dương, đã và đang được phục tráng, duy trì và phát triển, nhằm giữ gìn và bảo tồn các giống quý. Đây là sản vật mang phong vị đặc trưng riêng khi nhắc đến con người, vùng đất xứ Đông “địa linh nhân kiệt”. Nay, trên những mảnh đất nặng trĩu phù sa, người nông dân càng thêm gắn bó, mến yêu ruộng đồng bởi những quả ngon, trái ngọt được dày công vun trồng, được khách hàng trong, ngoài nước ưa chuộng, tin dùng đã mang lại nguồn thu nhập bền vững vươn lên xóa đói giảm nghèo.

“Luồng gió mới” bảo tồn giống quý

Hải Dương là một tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, thiên nhiên ưu đãi được đắp bồi phù sa màu mỡ đã làm nên thương hiệu cây trái, sản vật nổi danh trong nước và quốc tế, như: Vải thiều, bưởi đào Thanh Hồng (Thanh Hà) nếp cái hoa vàng Kinh Môn, khoai sọ Miễu Sơn, Chí Linh,… Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hải Dương đã dồn tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm để bảo tồn, phát huy hiệu quả giống quý nhà nông, coi đây như nét tinh hoa, văn hóa của con người xứ Đông, để không bị mai một “tuyệt chủng”.

img_3047.jpg
Bưởi đào Thanh Hồng, Thanh Hà là đặc sản của Hải Dương được phục tráng giống quý cho năng suất, chất lượng cao

Nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi tại huyện Thanh Hà, Kim Thành và thị xã Kinh Môn, đều chung nhận xét: Các giống quý được phục tráng, bảo tồn mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững giúp người dân xóa đói giảm nghèo, gắn bó với đồng đất quê hương. Không những vậy, còn thay đổi tư duy và phương thức sản xuất thủ công, lạc hậu ăn sâu nhiều đời trong tiềm thức của người nông dân, không chú trọng nguồn giống, lưu giữ, bảo quản các loại giống cây trồng.

Bà Vũ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng, phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương) cho biết: Quyết định của Chính phủ và sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Hải Dương như luồng gió mới tạo “đòn bẩy” để khoa học công nghệ áp dụng phục tráng vào khôi phục, bảo tồn các loại giống quý “nức tiếng” của Hải Dương, như: Nếp cái hoa vàng, nếp quýt, vải thiều, bưởi đào Thanh Hồng, bưởi Tân Thắng, dưa chuột gai Hải Dương, khoai sọ Miễu Sơn - Thái Học, lạc đỏ 3 nhân tại thị xã Kinh Môn, huyện Thanh Hà, Kim Thành, Nam Sách, Chí Linh,... Đây là các giống cây trồng có nhiều ưu việt, đặc biệt về chất lượng và giá trị kinh tế, được người dân ở các địa phương sản xuất và phát triển mở rộng. Việc bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển các nguồn gen có giá trị ứng dụng trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập xóa đói giảm nghèo cho nông dân làm giàu là cấp thiết.

img_3041.jpg
Phục tráng một giống quý phải mất thời gian 3 năm

“Làm khoa học, công nghệ phải kiên trì, dồn nhiều công sức… bởi để phục tráng một giống cây trồng phải mất đến 3 năm” – bà Hiền chia sẻ. Là cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ, trách nhiệm của người con quê hương với những người nông dân “chân lấm, tay bùn” để làm ra sản phẩm mang thương hiệu ngày một tốt ra thị trường, Sở đã ký hợp đồng với Viện cây lương thực và thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ và khảo nghiệm giống để thực hiện các đề tài phục tráng giống quý và mang lại hiệu quả trên niềm mong đợi, từ nguồn gen bản địa có giá trị kinh tế được thu thập, lưu giữ và chuyển giao cho chính quyền và người dân địa phương đưa vào sản xuất.

Cho những mùa bội thu

Phục tráng giống quý không những tạo ra mùa bội thu cho nhà nông trên địa bàn tỉnh Hải Dương, mà sản phẩm họ làm ra được thị trường tin dùng, giá trị cao. Nhiều loại giống cây trồng quý, nhưng do tập quán canh tác tự phát trải qua thời gian dài, người dân không biết chọn lựa và bảo quản các loại giống cho mùa vụ sau, nên chất lượng và sản lượng ngày một thấp. Theo bà Hiền, nếu không phục tráng bảo tồn chẳng lâu chỉ còn trong hoài niệm.

img_3031.jpg
Vườn bưởi đào nhà ông Trần Văn Dũng, thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng đều từ 500 đến 1.000 quả

Chẳng hạn như, giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn là giống lúa đặc sản nổi tiếng của địa phương chất lượng cao, cho xôi dẻo ngon mềm đậm, chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính, được nông dân gieo trồng nhiều trên địa bàn thị xã Kinh Môn. Trải qua thời gian khá lâu, chất lượng và sản lượng sút kém do việc chọn giống của người dân. Chính vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện cây lương thực và cây thực phẩm nghiên cứu phục tráng giống lúa nếp quý này, từ các dòng G0 được thu thập tại thị xã Kinh Môn. Sau đó, đơn vị phục tráng đã chuyển giao cho thị xã Kinh Môn quản lý, sử dụng 150kg hạt siêu nguyên chủng, đồng thời lưu giữ tại Viện cây lương thực và cây thực phẩm để bảo bảo quá trình duy trì, phát triển trong các năm tiếp theo. Không những chất lượng nếp cái hoa vàng được đảm bảo, mà sản lượng đã tăng lên 15% so trước đây.

img_3049.jpg
Phục tráng giống nếp cái hoa vàng tại thị xã Kinh Môn

Chúng tôi về thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà nơi nức tiếng với giống bưởi đào được khắp nơi ưa chuộng. Bưởi có cùi màu hồng, vị chua nhẹ, có giá trị cao về kinh tế và sức khỏe. Trên con đường trải bê tông phẳng lì, ông Ngô Bá Hương, Phó thôn dẫn chúng tôi đến tham quan một số hộ trồng bưởi. Vừa đi, ông Hương vừa giới thiệu: Bưởi quê tôi có từ rất lâu đời (năm 1960). Diện tích trồng bưởi của xã Thanh Hồng khoảng 130ha, nhưng riêng thôn Lập Lễ trồng 100ha, mỗi ha một năm cho thu khoảng từ 20 – 30 triệu đồng. Năm 2016 đến nay, nhờ các cán bộ khoa học kỹ thuật, chính quyền địa phương phục tráng giống bưởi quý nên chất lượng, sản lượng tăng lên gấp đôi và đăng ký chất lượng đạt 3 sao xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Á… bà con thu nhập cao nên rất phấn khích.

img_3050.jpg
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học tỉnh Hải Dương tại vườn bưởi xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà

Điểm chúng tôi đến thăm là hộ gia đình ông Trần Văn Dũng, tuy chỉ trồng 60 cây, nhưng bưởi nhà ông thuộc loại “khủng” các cây đều từ 500 – 1.000 quả. Ông Dũng, cho biết: Từ khi phục tráng giống bưởi đào, các cây đều ra sai quả và chống chịu sâu bệnh tốt, mẫu mã đẹp chất lượng ngon hơn giống bưởi trước và được thị trường ưa chuộng. Nhà ông có cây đạt 1.000 quả, mỗi vụ thu được từ 8 – 10 triệu đồng. Ngoài phục tráng giống bưởi quý, ông còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc và kích thích cho bưởi phát triển sớm (thu hoạch trước hàng tháng) so các giống bưởi khác, nên bán thị trường được giá cao hơn khoảng 12 nghìn đồng/quả. Cả thôn nhờ vào giống bưởi quý mà có hàng trăm hộ gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, bưởi là cây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

img_3040.jpg
Bảo tồn giống quý nhà nông không những làm rạng danh con người vùng đất trù phú xứ Đông,

Bảo tồn giống quý nhà nông không những làm rạng danh con người vùng đất trù phú xứ Đông, mà còn giúp người nông dân thêm mến yêu, gắn bó với đồng đất quê hương và vươn lên làm giàu xây dựng miền quê văn hóa, giàu đẹp.

Kiên Cường