Kinh tế

Cây chè trên đất Đình Lập

Hoàng Nghĩa 22/04/2024 - 19:17

(TN&MT) - Hơn nửa thế kỷ bén duyên với bà con vùng cao Đình Lập (Lạng Sơn), cây chè đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực góp phần đổi thay bộ mặt vùng quê nơi đây, giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đình Lập là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn, có diện tích 1.187 km2, là địa bàn sinh sống của bà con các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chỉ…

Năm 1962, theo tiếng gọi của Đảng, một bộ phận nhân dân từ tỉnh Thái Bình mà nòng cốt là bộ đội phục viên thuộc Đại đội 6 Trung đoàn 242 đã đến thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập, thành lập Nông trường Quốc doanh Thái Bình với mục tiêu xây dựng kinh tế và giữ gìn an ninh vùng biên giới.

Năm 1966, sau một thời gian tìm hiểu điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Đình Lập, Ban lãnh đạo Nông trường quyết định đưa giống chè trung du về trồng. Đến năm 2000, 3 giống chè mới tiếp tục được đưa về trồng thử nghiệm tại Nông trường, gồm: Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Bát Tiên.

screenshot_20240421_105128_chrome.jpg
Cây chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt, đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng chè.

Kết quả cho thấy, cây chè giống mới phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, uống thơm và nước trong xanh hơn hẳn. Không chỉ thế, giống chè mới còn có khả năng chống chịu sâu bệnh và cho năng suất cao hơn, từ đó Nông trường quyết định thay đổi cơ cấu giống chè, khai hoang mở rộng thêm giống mới.

Không phụ lòng người, từ đó đến nay, cây chè hợp đất, phát triển tốt, đem lại giá trị kinh tế cao. Để nâng cao chất lượng chè, những năm gần đây, chính quyền thị trấn Nông trường Thái Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình sản xuất chè an toàn; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khuyến khích bà con áp dụng sử dụng máy hái chè, máy đốn, tỉa chè… vào sản xuất. Năm 2019, thị trấn được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh) chọn triển khai mô hình thí điểm áp dụng quy trình VietGAP trên cây chè.

Là một trong những hộ gia đình đã gắn bó lâu năm với cây chè, bà Nguyễn Thị Tuyên, khu Thống Nhất, thị trấn Nông Trường cho biết: Trước đây, sản xuất theo phương cũ, truyền thống, chất lượng, giá trị chè thu được không cao, chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết và thị trường.

Được chính quyền địa phương hỗ trợ, bà đã chủ động tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc chè, tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, gia đình tôi có hơn 2ha chè VietGAP, bình quân mỗi năm, xuất bán từ 18- 22 tấn chè tươi, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với canh tác theo hướng truyền thống.

Cây chè đã tạo việc làm mới, ổn định cho hàng nghìn người dân địa phương nơi đây. Từ một khu dân cư khó khăn, đời sống người dân thị trấn đã được nâng cao; nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ cây chè, có nhà cửa khang trang, xe máy, ô tô... Cơ sở vật chất, hạ tầng thị trấn cũng ngày càng đổi mới, điện, đường trường trạm có nguồn lực để đầu tư xây dựng, tạo diện mạo mới cho thị trấn Nông trường.

Thấy được giá trị do cây chè mang lại, từ năm 2018, xã Thái Bình cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất, trong đó, chú trọng phát triển cây chè theo hướng an toàn.

screenshot_20240421_105120_chrome.jpg
Cây chè đã tạo việc làm mới, ổn định cho hàng nghìn người dân ở Đình Lập.

Theo UBND xã Thái Bình, cùng với tập trung sản xuất, xã cũng quan tâm kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm chè cho bà con. Đến nay, toàn bộ sản phẩm chè của người dân đều được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định; năng suất, sản lượng chè liên tục tăng, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Hiện toàn xã có trên 37 ha chè, sản lượng chè hằng năm đạt trên 300 tấn, đem lại giá trị khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Theo UBND huyện Đình Lập, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đã tạo nên nét riêng biệt cho sản phẩm chè Đình Lập. Nhằm nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu, giá trị kinh tế cho cây chè, những năm gần đây, huyện Đình Lập đã chú trọng xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm chè, hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đưa sản phẩm chè trưng bày, bán tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu; trưng bày tại hệ thóng siêu thị, cửa hàng tại Lạng Sơn và một số tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng… Nhờ đó, sản phẩm chè Đình Lập ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng. Sản phẩm chè xuất khẩu cũng đạt được mức tiêu thụ ổn định tại một số thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan.

Tháng 10/2021, Huyện ủy Đình Lập ban hành Nghị quyết số 28 về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2030.

Trong đó, huyện đặt mục tiêu tiếp tục phát triển vùng chè Đình Lập, tập trung tại xã Lâm Ca, Thái Bình, thị trấn Nông trường Thái Bình. Phấn đấu đến năm 2025, phấn đấu phát triển diện tích cây chè lên 350 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 1.500 tấn/năm; đến năm 2030, tổng diện tích cây chè là 450 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 1.900 tấn/năm.

screenshot_20230627_140713_facebook.jpg
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, diện mạo nông thôn ở Đình Lập đang "thay da đổi thịt" từng ngày.

Được biết, hiện, toàn huyện Đình Lập có hơn 200ha chè, với hàng nghìn hộ dân tham gia, tập trung tại thị trấn Nông trường Thái Bình, xã Lâm Ca và Thái Bình. Người dân Đình Lập đã đẩy mạnh cơ giới hoá, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng, chăm sóc nên sản lượng chè luôn đạt cao. Năm 2023, sản lượng búp chè tươi của huyện Đình Lập đạt 1.550 tấn, tăng gần 130 tấn so với năm 2022.

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đình Lập những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng; toàn huyện còn 267 hộ nghèo, chiếm 3,56% tổng số hộ dân, giảm 171 hộ so với năm 2022, vượt 55,4% kế hoạch đề ra; là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp nhất tỉnh.

Hoàng Nghĩa