Biến đổi khí hậu

Mai Sơn (Sơn La): Quản lý, bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế bền vững

Nguyễn Nga (thực hiện) 22/04/2024 - 19:16

(TN&MT) - Quản lý hơn 56.000 ha rừng, những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, gắn lợi ích của người dân với công tác khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng, góp phần tạo sinh kế bền vững từ nghề rừng.

Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Vinh Hiển, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mai Sơn.

1(2).jpg
Ông Trịnh Vinh Hiển, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mai Sơn.

PV: Xin ông cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện?

Ông Trịnh Vinh Hiển:

Những năm qua, Hạt Kiểm lâm Mai Sơn đã chủ động tham mưu cho UBND huyện triển khai các văn bản liên quan đến Lâm nghiệp; xây dựng, ban hành kế hoạch, công điện, chỉ thị, các văn bản để hướng dẫn, cụ thể hóa các văn bản của trung ương, tỉnh để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR.

Phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND 22 xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về công tác bảo vệ rừng, PCCCR; giữa UBND các xã, thị trấn ký cam kết với các bản, tiểu khu; giữa trưởng bản với các hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR.

Hàng năm, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phát triển lâm nghiệp bền vững cấp xã; tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR ở cơ sở. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, xâm hại vào rừng.

img_1923.jpg
Cán bộ Hạt kiểm lâm Mai Sơn cùng tổ đội tuần tra, bảo vệ rừng tăng cường tuần tra rừng, PCCCR.

PV: Ông có thể thông tin rõ nét hơn một số kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện?

Ông Trịnh Vinh Hiển:

Xác định công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng quyết định trực tiếp đến diện tích rừng hiện còn và tỷ lệ che phủ rừng, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý rừng, đất lâm nghiệp, sử dụng có hiệu quả đất quy hoạch cho lâm nghiệp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong năm 2023, đã tổ chức 164 cuộc họp với trên 10.000 lượt người nghe, ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với các chủ rừng. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp PCCCR, cách đốt dọn thực bì, đốt nương và những hành vi bị nghiêm cấm khi dùng lửa gần khu rừng. Triển khai trồng 150 ha rừng phòng hộ; 112 ha rừng sản xuất; trên 90.300 cây phân tán.

Chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền cơ sở, chủ rừng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc phá rừng trái pháp luật, các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép. Qua đó, đã phát hiện, xử lý 29 vụ vi phạm với 219 đối tượng, gồm 17 vụ phá rừng, 4 vụ cháy rừng, 6 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, khởi tố 2 vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng...

Thông qua triển khai hiệu quả các giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR đã mang lại những chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn huyện Mai Sơn có hơn 56.000ha rừng được quản lý, bảo vệ tốt; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 39%.

PV: Thông qua triển khai các chương trình bảo vệ, phát triển rừng, ông đánh giá đã góp phần như thế nào để nâng cao đời sống cho nhân dân sống nhờ rừng?

Ông Trịnh Vinh Hiển:

Thông qua các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, đã góp phần hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, tạo được việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sống gần rừng.

Hiện nay, Mai Sơn có hơn 6.000 chủ rừng thuộc 308 bản trên địa bàn 22 xã, thị trấn được giao khoanh nuôi, bảo vệ trên 45.000ha rừng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, với tổng kinh phí chi trả năm 2023 là hơn 13 tỷ đồng.

img_1957.jpg
Thông qua các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số sống gần rừng.

Cùng với đó, địa phương đã rà soát phân bổ trên 5 tỷ đồng nguồn kinh phí bảo vệ rừng từ Nghị quyết 88 của Quốc hội về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để triển khai hỗ trợ trên địa bàn 4 xã vùng III và biên giới là Phiêng Cằm, Nà Ớt, Phiêng Pằn, Chiềng Nơi.

Đồng thời, đã định hướng, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn để phát triển sinh kế, ổn định đời sống, giảm áp lực vào rừng. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện cuộc sống cho đồng bào DTTS, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR.

PV: Công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay trên địa bàn huyện Mai Sơn đang gặp những khó khăn lớn nào, thưa ông?

Ông Trịnh Vinh Hiển:

Do áp lực về dân số, đất canh tác ít chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn dẫn đến còn tình trạng người dân xâm hại rừng. Đáng lưu ý, do giá cả một số nông sản tăng cao, nhu cầu về đất canh tác cũng tăng theo, dẫn đến người dân phá rừng để lấy đất trồng cà phê, cây ăn quả.

Các đối tượng vi phạm hầu hết là hộ nghèo, hộ có kinh tế đặc biệt khó khăn, nhận thức hạn chế, dẫn đến việc tuyên truyền, vận động, ký cam kết để khắc phục hậu quả vi phạm, nộp tiền phạt gặp nhiều khó khăn, tổ chức đốc thu không hiệu quả.

Bên cạnh đó, ý thức quản lý đối với diện tích rừng được giao cho các chủ rừng chưa cao, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm.

Hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng sử dụng không đúng mục đích ngày càng tinh vi, khó phát hiện, thường tiến hành chặt những cây rừng có đường kính nhỏ, phát quang bụi rậm, đồng thời trồng cây cà phê đã ươm sẵn từ 2-3 năm tuổi vào diện tích vi phạm. Những cây có đường kính lớn thì đục đẽo, khoanh vỏ cho cây chết dần, sau đó chặt hạ từng cây. Dẫn đến, khi phát hiện thì rừng đã bị mất, không còn hiện trường.

img_1945.jpg
Mai Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp PCCCR, cách đốt dọn thực bì, đốt nương... để không gây ảnh hưởng vào rừng.

PV: Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Mai Sơn đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng, thưa ông?

Ông Trịnh Vinh Hiển:

Năm 2024, huyện Mai Sơn tiếp tục đặt mục tiêu bảo vệ tốt hơn 56.000ha rừng hiện có, trồng 73ha rừng phòng hộ; chăm sóc 300 ha rừng trồng phòng hộ; khoanh nuôi tái sinh khoảng 500ha rừng tự nhiên với những diện tích đủ điều kiện. Phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 đạt 39,2%.

Thực hiện mục tiêu trên, Mai Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng; tăng cường các biện pháp hữu hiệu nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, khai thác chế biến lâm sản, bảo vệ động vật hoang dã, giảm số vụ vi phạm, giữ vững ổn định tình hình lâm phận, không để xảy ra các điểm nóng phức tạp.

Nâng cao vai trò trách nhiệm chủ rừng, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR, đây là lực lượng nòng cốt tham gia đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo đúng diện tích, đúng đối tượng, đúng số tiền, tạo động lực để các chủ rừng bảo vệ, phát triển rừng tích cực hơn.

Đổi mới tư duy, nhận thức trong lực lượng kiểm lâm về quản lý, bảo vệ rừng theo phương châm bảo vệ rừng phải gắn liền với quản lý, phát triển rừng. Xây dựng lực lượng kiểm lâm mạnh từ cơ sở, ưu tiên tăng cường lực lượng kiểm lâm xã để bảo vệ rừng từ cơ sở và các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, phá rừng.

Tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, quản lý chặt, đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, không để tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, góp phần chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Nga (thực hiện)