Biến đổi khí hậu

TP.HCM: Nhiều cơ hội khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

Nguyễn Quỳnh 20/04/2024 - 13:12

Đây là nhận định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM tại Hội thảo 'Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh' do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 20/4.

img_3031.jpg
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại Hội thảo

Theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, trong thời gian qua, TP.HCM đã chủ động đề ra và nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 là Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Đặc biệt, TP.HCM đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Theo nghị quyết này, TP.HCM được chọn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

Triển khai Nghị quyết 98, UBND TP.HCM đã giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Tài chính xây dựng Đề án thí điểm cơ chế tài chính, với mục tiêu là triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Sở TN&MT đã đề xuất lựa chọn 2 dự án tiềm năng, gồm: thay thế đèn đường LED và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc đề xuất cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nói riêng và triển khai hoạt động mua bán tín chỉ carbon trên địa bàn thành phố nói chung sẽ tạo ra nhiều cơ hội.

Thứ nhất, sẽ giúp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, điều này không giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà giúp cộng đồng sống trong môi trường sạch hơn. Hai là cơ hội thu hút đầu tư, mua bán tín chỉ carbon sẽ mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy các dự án xanh và tạo ra việc làm mới. Ba là nâng cao vị thế quốc tế, TP có thể trở thành trung tâm cho các hoạt động liên quan đến môi trường và phát triển bền vững, đồng thời thu hút sự chú ý và hợp tác quốc tế.

z5365667324704_ffe8a8faca757a37e3ff6f5f6340c83d.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, đi cùng cơ hội thu lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon thì cũng có những thách thức, đặc biệt trong khối công. Thứ nhất, việc thiếu hành lang pháp lý chi tiết cho các hoạt động tính toán, đánh giá và thẩm định tín chỉ carbon cản trở việc thực hiện hiệu quả. Thứ hai, thiếu một môi trường mua bán rộng rãi và hiệu quả, đặc biệt là kết nối với các thị trường quốc tế, nơi tín chỉ có thể được bán với giá cao. Thứ ba, hầu hết các nội dung trong quá trình tạo lập, tính toán giá và bán tín chỉ carbon đều phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài, nên việc đánh giá và giao dịch tín chỉ có thể ảnh hưởng đến giá trị và sự chủ động của các dự án trong nước.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, các thách thức này đang được Chính phủ, UBND TP chỉ đạo các sở ngành phối hợp với các bộ ngành tích cực tháo gỡ. Đây là tháo gỡ chung không chỉ cho riêng TP.HCM mà còn cho các địa phương khác trên cả nước.

Đối với kế hoạch năm 2024, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở TN&MT sẽ phối hợp cùng Sở Tài chính hoàn thiện Đề án thí điểm Cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ cacbon, trình UBND Thành phố phê duyệt.

Đồng thời, phối hợp với các Bộ Công Thương, GTVT, NN&PTNT, TN&MT xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn Thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ carbon

Sở TN&MT và Sở Tài chính sẽ trao đổi, thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tính toán giá, lựa chọn bán tín chỉ cacbon đối với các dự án thí điểm. Phối hợp với các Sở ngành có liên quan chuẩn bị hỗ trợ cho việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ cacbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường đào tạo và tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cán bộ công chức về thị trường tín chỉ cacbon; tăng cường hợp tác với các quốc gia, quốc tế có kinh nghiệm để triển khai hiệu quả thị trường tín chỉ cacbon

Trước đó, tại Hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã thông tin những nội dung chính về quy định pháp luật về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định lộ trình giao dịch tín chỉ carbon tại bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn đến hết năm 2027 là xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Việc thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ thực hiện kể từ năm 2025. Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Các đối tượng tham gia thị trường carbon trong nước bao gồm: các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành (hiện tại là 1920 cơ sở); tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.

z5365667406298_a25eda1514de94c3532f19408d15c490.jpg
Báo Tuổi trẻ công bố Dự án "Việt Nam xanh"

Trong khuôn khổ Hội thảo, Báo Tuổi trẻ đã chính thức ra mắt Dự án “Việt Nam xanh”. Dự án sẽ gồm nhiều hoạt động như: Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; phát động các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; công bố các giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững...

Nguyễn Quỳnh