Biến đổi khí hậu

Tây Nguyên đang “khát”

Phạm Hoài 20/04/2024 09:52

(TN&MT) - Tính từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4/2024 tình hình nắng hạn ở các tỉnh Tây Nguyên diễn ra hết sức khốc liệt, hàng trăm hồ đập, các suối lớn, nhỏ mực nước đang xuống thấp, có nhiều khu vực suối cạn trơ đáy. Dẫn đến hàng trăm hecta hoa màu, cây trồng thiếu nước và hàng ngàn hộ dân đối mặt với thiệt hại về kinh tế trên diện rộng.

11.jpg
Hệ thống hồ đập ở Đắk Mil, Đắk Nông cạn trơ đáy

Nắng hạn bủa vây buôn làng

Nắng nóng và thiếu nước, cây chết hết rồi!… là những cụm từ mà đại bộ phận người dân ở các tỉnh Tây Nguyên đang truyền tai nhau nhiều nhất trong vòng hơn 1 tháng nay.

Tính từ đầu tháng 2/2024 hạn hán đã bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh Tây Nguyên và đến giữa tháng 3 mực nước trên các sông suối đang giảm nhanh, cục bộ một số nơi đã cạn kiệt nguồn nước. Hiện tại, đã có hàng ngàn hecta thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên thiếu nước tưới và nguy cơ rất nhiều gia đình trắng tay vì cây trồng “chết khát”.

Với khuôn mặt thất thần, dáng vẻ mệt mỏi bà H’Jon Êung (thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đang lê từng bước chân yếu đuối đến vườn cà phê hơn 1ha đang ủa lá vàng gần hết. Theo bà bà H’Jon Êung, suối Đắk Sôr đoạn tiếp giáp với vườn của gia đình đã trơ đáy từ đầu tháng 2 không còn nước để tưới. “Cạn hết rồi, cây vàng khô nếu những ngày tới không mưa thì năm tới gia đình tôi đói ăn là chắc chắn”, bà H’Jon Êung chua xót nói.

22.jpg
Bà Lê Thị Quyên (đội 4, xã Thuận An, huyện Đắk Mil) thất thần trước hàng trăm cây cà phê của gia đình bị khô do thiếu nước

Cầm trên tay những cành cà phê đã khô cháy vì thiếu nước nhiều ngày, bà Lê Thị Quyên (đội 4, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) ứa nước mắt không nói thành lời. Gia đình bà bỏ ra hơn 300 triệu đồng mua mảnh vườn gần 6 sào, tốn thêm hơn trăm triệu đồng nữa kiến thiết vườn cà phê giống mới năng suất cao, lại qua gần 5 năm cố gắng chăm sóc, vườn cây bước vào kinh doanh, thì năm nay bị hạn.

Ao nước cuối vườn đã khô kiệt, các hồ thuỷ lợi trong bán kính vài cây số cũng không hồ nào còn nước. Vợ chồng bà Quyên chỉ có thể ngậm ngùi nhìn vườn cà phê dần héo rũ, chết khô. “Nông dân thì nhờ vào cây cà phê mà bây giờ nó chết như thế này thì không có thu nhập luôn. Nhìn mà xót ruột lắm, nhưng giờ nước không có, ở ngoài đập thuỷ lợi nước cũng hết rồi. Giờ chỉ chờ cơn mưa của trời cứu được cây nào thì cứu thôi.”

23.jpg
Hồ cạn nước chỉ còn một khu vực nhỏ nhưng có hàng chục máy hút chen chúc nhau cố gắng bơm những dòng nước cuối để cứu cây trồng

Theo ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, tính đến giữa tháng 4/2024, dự kiến có 9.960ha cây trồng của tỉnh thiếu nước, khô hạn. Trong đó, huyện huyện Krông Nô khoảng 4.510ha; Đắk Mil khoảng 3.450ha; Cư Jút khoảng 2.000ha. Những diện tích cây trồng này đang đứng trước nguy cơ chết hoặc sụt giảm năng suất. Trong đó, huyện Đắk Mil là vùng trọng điểm cây cà phê của tỉnh Đắk Nông với diện tích hơn 21.000ha và đây cũng địa bàn cây cà phê đang chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất do nắng hạn. 17/46 công trình thuỷ lợi của huyện cạn kiệt nguồn nước, những hồ còn lại cũng sắp đến mực nước chết.

Tương tự, tại một số địa phương khác của tỉnh Đắk Lắk tình hình hạn hán đang diễn biến hết sức phức tạp. Dưới cái nắng như đổ lửa vào giữa tháng 4, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những cánh đồng ruộng lúa nước trải dài quá tầm mắt tại huyện Lắk đang dần khô héo. Nhiều thửa ruộng thậm chí đã không có nước khoảng 1 tuần. Trong đó, không ít gia đình thu nhập thấp, không có kế sinh nhai nào khác ngoài dăm sào ruộng chờ mùa gặt để gắng bám trụ chờ đến vụ mùa tới. Gia đình anh Điểu Y (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk) trồng hơn 4 sào ruộng đang bị thiếu nước trầm trọng. “Làm mấy năm nay chưa năm nào thấy nắng kéo dài như năm nay. Tình hình này chắc vụ lúa này xem như mất trắng”, anh Điểu Y xót xa nói.

Đến nay, tại Đắk Lắk có hơn 2.000ha cây trồng thiếu nước tưới. Trong đó, có hơn 1.300ha cà phê, 638ha lúa và 36ha cây trồng khác. Dự báo trong thời gian tới, sẽ có từ 5.000 - 8.000ha cây trồng có khả năng xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài. Đáng lo ngại, hiện tại, có 44/619 hồ chứa đã cạn kiệt nước. Số hồ chứa còn lại lượng nước cũng chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ. Nguồn nước trên các sông, suối, đang tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.

ho-dan-kia-suoi-vang-9-.jpg
Hồ Đan Kia – Suối Vàng thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng mực nước xuống thấp dưới mực nước chết

Người và cây đều “khát”

Tháng ba âm lịch tương ứng với tháng tư dương lịch, là thời điểm nóng nhất trong năm và cũng là mùa mật ngọt nhất để con ong đi lấy mật và đây cũng là “mùa con voi xuống sông hút nước” vì trời quá nóng. Xuôi về phía Nam theo Quốc lộ 25 ở ngã ba Chư Sê rồi vượt thêm hơn 140km để đến được vùng đất được coi là “chảo lửa”, là “rốn” hạn của Tây Nguyên, đó là Krông Pa huyện xa thủ phủ nhất của tỉnh Gia Lai.

Tại đây, chúng tôi chứng kiến từng đoàn người kéo nhau xuống suối Ia MLah, suối Uar tìm nguồn nước để sinh hoạt. Cạnh đó, các ruộng lúa đã bị thiếu nước tạo nên những đường nứt toác khá lớn. Đi tiếp đến một số khu vực quang “rốn hạn” chúng tôi cảm nhận được sự gay gắt của hạn hán khi hàng chục giếng nước đã cạn trơ đáy người dân hết sức lo lắng.

35.jpg
Nông dân làng Mrông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia lai buồn bã vì ruộng lúa thiếu nước chết khô hết

Như nhiều người dân tộc Gia Rai khác, gia đình anh Tơbuân, trú tại buôn Thim, xã Phú Cần đang trữ những bịch nhựa để gom nước về trữ sinh hoạt. Theo anh Tơbuân, khu vực này được xem là nóng nhất Tây Nguyên nên năm nào đến đầu tháng 3 người dân đã chủ động các nguồn nước sinh hoạt và nhà nước cũng liên tục hỗ trợ các chính sách nhằm giúp người dân có đủ nguồn nước ngọt. Tuy nhiên, mùa khô năm nay rất khác có vẻ khốc liệt hơn rất nhiều so với mọi năm. “Năm nay nắng kéo dài và gay gắt hơn. Thời điểm này này trước ở đây đã có mưa lai rai rồi. Kiểu này chắc kéo dài thêm nữa tháng là người với cây gì đều chết khát hết”, anh Tơbuân lo lắng nói.

44.jpg
Phần lớn mực nước ở các hồ thuỷ lợi mực nước đã xuống rất thấp

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm và cứu nạn tỉnh Gia Lai, từ tháng 4 tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ sẽ gia tăng tại nhiều địa phương. Đặc biệt là các nơi không chủ động nguồn nước, xa công trình thủy lợi. Lượng mưa và dòng chảy các sông suối thời điểm này cũng rất ít, thấp hơn trung bình nhiều năm. Nhiều hồ chứa thủy lợi lượng nước chỉ còn dưới 50% và nhiều đập dâng đã hết nước. Từ đầu năm tới nay, hơn 170ha lúa và hoa màu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước. Trong đó, các huyện thiệt hại nặng là Phú Thiện, Chư Păh, Kbang. Theo cơ quan này, thời gian tới sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục có giải pháp ứng phó hạn hán. Trong đó ưu tiên nguồn nước tưới cho những cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây trồng sắp tới thời kỳ thu hoạch.

Ghi nhận tại các tỉnh như Lâm Đồng, Kon Tum mức nước ở các ao hồ sống suối đang cạn dần có nhiều khu vực nước suối, hồ đã cạn trơ đáy. Điển hình, tại hồ Đan Kia – Suối Vàng thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, nước xuống rất thấp sát mực nước chết làm lộ ra từng mảng đất dưới lòng hồ bị nứt toác.

34.jpg
Người dân ở xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cố gắng giữ từng bình nước ngọt sót lại để sinh hoạt

Theo Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng Hoàng Văn Thanh, dự báo nếu nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh có hơn 9.200 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, khoảng 1.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Vì vậy, yêu cầu của tỉnh là phải điều tiết nước hợp lý, với phương châm trong mọi trường hợp không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Khi xảy ra hạn hán cần thực hiện các biện pháp ưu tiên là cấp nước cho sinh hoạt, gia súc và cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao…

Trước tình hình khô hạn kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và tác động xấu đến cây trồng. Hiện tại, các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đang nỗ lực tìm các biện pháp để khắc phục để giảm thiệt hại.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng El Nino, nền nhiệt khu vực mùa khô năm nay tăng cao hơn trung bình nhiều năm. Đồng thời mùa khô sẽ kéo dài hơn do mùa mưa đến muộn, mưa trái mùa có diễn biến cực đoan như mưa đá, mưa kèm dông lốc, sét. Để hạn chế nguy cơ thiệt hại, chính quyền địa phương và người dân cần theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn. Đặc biệt các cơ quan cần theo dõi nguồn nước trên các hồ chứa, sông ngòi để cân đối nguồn nước.

Phạm Hoài