Tin tức

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng kết hợp bảo vệ hệ sinh thái rừng

Trung Nguyên 20/04/2024 - 09:52

(TN&MT) - Chương trình “Tăng trưởng doanh nghiệp sinh thái rừng” (Forest Ecopreneur 2024) vừa chính thức khai mạc tại Việt Nam với sự tham gia của 35 doanh nghiệp bảo tồn sinh thái rừng.

Trong năm 2024, chương trình sẽ hỗ trợ từng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh có lồng ghép thực hiện hoặc nhân rộng các hoạt động phục hồi rừng bền vững.

Tham dự sự kiện có đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Bridge for Billions, các đơn vị triển khai tại Việt Nam gồm: Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển IID, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS); đại diện với 35 doanh nghiệp bảo tồn sinh thái rừng và 30 cố vấn kinh doanh.

untitled.png
35 doanh nghiệp tham gia dự án đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước

Các cố vấn sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để phân tích và tìm ra các thế mạnh cũng như hướng phát triển phù hợp với doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hành động từ địa phương nhằm bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng dễ bị tổn thương có giá trị đa dạng sinh học cao. Theo ông Alexis Corblin, Cố vấn kỹ thuật cấp cao của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), các doanh nghiệp Việt Nam trong một dự án có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030.

Giới thiệu các hoạt động cụ thể, bà Trương Thị Nam Thắng, Nghiên cứu trưởng, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) cho biết, doanh nghiệp tham gia dự án có nhiều lợi ích. Dự án sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phân tích các điểm mạnh, điểm yếu cũng như xác định lợi thế cạnh tranh, mô hình kinh doanh và tiếp thị phù hợp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng một kế hoạch phát triển khả thi, đặt ra mục tiêu cho 3 năm tiếp theo, có dự phòng giảm thiểu rủi ro.

_anh1134(1).jpg
Bà Đặng Như Quỳnh, Nghiên cứu viên, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giới thiệu về chương trình

Bên cạnh cố vấn đồng hành, các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia các buổi họp nhóm, hội thảo kỹ thuật, để thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức, thách thức và giải pháp về các sáng kiến phục hồi rừng, chứng nhận môi trường, đo lường tác động, thị trường carbon; các cơ chế tài chính, kế hoạch quản lý doanh nghiệp rừng cho các nhóm cộng đồng...

Trên cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh, dự án hướng tới bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, bằng cách xác định được khu vực và các loài ưu tiên, huy động sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan; thiết lập khung giám sát và nâng cao năng lực địa phương và quốc gia trong theo dõi hiện trạng của hệ sinh thái rừng...

_anh1219.jpg
Các doanh nghiệp/dự án kinh doanh tham gia đều liên quan đến bảo tồn và phục hồi sự đa dạng dưới tán rừng cũng như thúc đẩy sinh kế tại địa phương

Theo bà Đặng Như Quỳnh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân sẽ thúc đẩy sinh kế bền vững phù hợp với hệ sinh thái rừng bền vững. Khi doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh thực hiện hoặc nhân rộng các hoạt động phục hồi bền vững, họ cũng sẽ nâng cao khả năng kết nối với các nhà đầu tư, các đối tác có cùng định hướng.

Chương trình Forest Ecopreneur 2024 nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng (SAFE Initiative), do Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc tài trợ, Chương trình Môi trường liên hiệp quốc (UNEP) triển khai thông qua Tổ chức Ươm tạo Bridge for Billions. Sáng kiến nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp/dự án kinh doanh liên quan đến bảo tồn và phục hồi sự đa dạng dưới tán rừng cũng như thúc đẩy sinh kế tại địa phương, triển khai đồng loạt tại 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Bhutan.

Trung Nguyên