Xã hội

Di dời nhà trên và ven kênh rạch: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Thục Vy 19/04/2024 - 16:38

(TN&MT) - Việc di dời nhà trên và ven kênh rạch luôn được TP.HCM đặc biệt quan tâm và xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đang gặp không ít khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn lực tài chính và công tác tái định cư.

20210618_172149.jpg
TP.HCM hiện còn rất nhiều ngôi nhà lụp xụp được xây dựng trên và ven kênh rạch

Dọc con đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM), không khó để nhìn thấy những ngôi nhà lụp xụp, một nửa nằm trên đất, một nửa nhoài ra mặt nước dọc kênh Đôi. Do diện tích sinh sống chật hẹp nên phần phần lớn hộ gia đình ở đây xây nhà vươn ra mặt kênh để có thêm chỗ sinh hoạt. Bà Hương (người dân sinh sống tại hẻm 654 đường Phạm Thế Hiển) cho biết: "Gia đình tôi sống ven kênh này đã mười mấy năm rồi. Căn nhà của tôi được xây dựng tạm bợ rộng chừng 30m2, không có giấy tờ rõ ràng. Dù chỗ ở chật hẹp và không có cả nhà vệ sinh, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên đành phải bám trụ. “Sắp tới bờ kênh sẽ bị giải toả để chỉnh trang đô thị, không biết gia đình tôi sẽ đi đâu về đâu”, bà Hương lo lắng.

Những năm qua, Thành uỷ và UBND TP.HCM đặc biệt quan tâm, xem việc di dời nhà trên và ven kênh rạch là một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Từ năm 1993, TP.HCM đã thực hiện việc di dời các hộ dân trên và ven kênh rạch. Chương trình thực hiện đạt kết quả thành công vào giai đoạn đầu nhưng tiến độ chậm lại vào giai đoạn sau, khi chủ trương chuyển từ nguồn vốn ngân sách sang nguồn vốn ngoài ngân sách.

Theo đó, trong giai đoạn 1993 - 2020, TP.HCM đã di dời được 38.185/65.000 căn nhà cần di dời. Trung bình mỗi năm, Thành phố di dời được hơn 1.400 căn nhà. Tuy nhiên, tốc độ di dời càng ngày càng giảm và tiến độ chậm dần. Để đẩy nhanh việc di dời, TP.HCM đã ban hành Kế hoạch về triển khai chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2030, trong đó có chương trình di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh, với mục tiêu từ năm 2021 - 2025 sẽ di dời 6.500 căn.

TS. Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhận định, các chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn trước đây thuận lợi hơn khi có nguồn tài chính lớn từ các quỹ đất công. Theo đó, TP.HCM áp dụng chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tạo nguồn vốn làm các khu tái định cư và di dời người dân sống trên và ven kênh rạch. Không chỉ vậy, một thuận lợi khác nữa là trước đây, thành phố có thể huy động nguồn vốn vay ODA không hoàn lại, hoặc lãi suất ưu đãi để đầu tư các dự án chỉnh trang.

Thêm nữa, quỹ đất khi đó cũng có nhiều, tạo điều kiện áp dụng đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng - hợp đồng BT - điều mà hiện nay rất khó vì hầu như đất trống không còn, pháp lý cũng thay đổi. “Thực tế hiện nay, cùng với các giải pháp huy động nguồn vốn, việc cải tạo kênh, rạch ở TP.HCM không nên cục bộ trên tuyến mà nên gắn với chỉnh trang đô thị xung quanh để tạo đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố ”, TS. Võ Kim Cương đề xuất.

20210618_172004.jpg
Việc di dời nhà trên và ven kênh rạch gặp khó khăn về nguồn vốn và công tác tái định cư

Còn ông Bùi Đức Long, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 4 cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với các dự án di dời nhà ven kênh là nguồn lực tài chính và việc tái định cư. Do đó, TP.HCM nên nghiên cứu sớm có cơ chế tái định cư không tính tiền sử dụng đất như nhà ở xã hội, để thuận lợi hơn trong công tác tái định cư trên địa bàn.

Theo ông Lý Thanh Long - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM, đến cuối năm 2023, TP.HCM đã bồi thường, di dời được gần 700/6.500 căn nhà ven và trên kênh rạch. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ bồi thường, di dời được 4.250/6.500 căn, đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu đề ra, trong đó, có 7 dự án dự kiến hoàn thành công tác di dời trước ngày 30/4/2025. "Từ năm 2020, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP không còn quy định về hình thức hợp đồng BT. Nhà đầu tư sẽ không được thanh toán bằng quỹ đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch, nên không hấp dẫn trong việc mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án" - ông Long cho biết thêm.

Cũng theo ông Long, hiện tại, có 2 khó khăn và vướng mắc chính trong việc giải tỏa, di dời nhà trên và ven kênh rạch, đó là nguồn vốn ngân sách và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Mặc dù các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch được Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư, nhưng so với các dự án hạ tầng khác lại không được chọn là cấp bách, ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, đa số các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đều có pháp lý nhà đất phức tạp, như không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, một phần trên đất, một phần trên kênh rạch… Điều này dẫn đến việc hiệp thương, bồi thường chậm, làm dự án kéo dài..." ông Long cho hay.

Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách. Còn Sở TN&MT thì hướng dẫn UBND quận, huyện giải quyết dứt điểm các căn nhà chưa di dời do khiếu nại về chính sách, đơn giá bồi thường. Hiện, Sở Xây dựng đã xây dựng Đề án trình UBND TP.HCM giải pháp thí điểm cho tất cả các đối tượng là hộ gia đình có nhà trên, ven kênh rạch được thuê nhà ở xã hội hoặc mua tuỳ khả năng để người dân ổn định cuộc sống. Sau khi Đề án được UBND TP.HCM thông qua, Thành phố sẽ tạo điều kiện để UBND quận, huyện triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường của dự án.

Thục Vy