Xã hội

Kéo pháo ở Điện Biên

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tại kể - Đại tá Đoàn Hoài Trung ghi 18/04/2024 - 10:02

(TN&MT) - Tôi có vinh dự được tham gia kéo pháo phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Lúc đó, tôi là chiến sĩ Đại đội 243, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312.

1(2).jpg
1.-ho-do-ta-nao-keo-phao-ta-vuot-qua-deo.-anh-ttxvn(2).png

Tôi có vinh dự được tham gia kéo pháo phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Lúc đó, tôi là chiến sĩ Đại đội 243, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312.
Khoảng trung tuần tháng 1/1954, theo kế hoạch tác chiến, ta đưa pháo vào trận địa. Mỗi khẩu pháo nặng hàng mấy tấn thép được kéo lên dốc, phải cần tới 150 đến 160 chiến sĩ, đường đi quanh co với những ngọn núi có độ dốc cao. Lại có lúc phải đưa pháo qua những vực sâu thẳm mà không có đường, phải lấy đá kè đắp thành đường cho pháo… Khi lên dốc phải vừa kéo vừa có người liên tục dùng khúc gỗ nhỏ có hình cạnh tam giác chèn vào phía sau bánh xe của pháo để pháo khỏi tuột xuống dốc. Sau mỗi nhịp kéo, khẩu pháo chỉ nhích lên chừng 30 đến 40cm. Mỗi đêm, nếu đường ít dốc và khô ráo thì pháo nhích được vài ba cây số, nếu gặp trời mưa, đường trơn thì chỉ kéo được 500 đến 600m.

3.-phao-cao-xa-cua-ta-danh-tra-quyet-liet-may-bay-dich-o-dien-bien-phu.-anh-ttxvn(1).png
Pháo cao xạ của ta "săn" máy bay địch ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Kéo pháo lên dốc đã vất vả, nhưng đưa pháo xuống dốc còn cực nhọc gấp nhiều lần. Vì phải xuống theo sườn núi quanh co, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Phải có hàng trăm người ghìm dây thả pháo từ từ, số người đứng trước thì thay nhau chèn pháo, giữ cho khẩu pháo đi đúng hướng, đúng đường xuống dốc. Qua thực tế kéo pháo, anh em có sáng kiến làm “tời”, buộc dây kéo pháo vào trục tời, đầu bên kia buộc vào hai càng của pháo, dùng tời thả pháo xuống dần, vừa thả vừa chèn để pháo khỏi lao nhanh nhằm đảm bảo an toàn cho cả người và pháo.
Việc kéo pháo vào trận địa thường được ta bố trí vào ban đêm để tránh phi pháo của địch. Khi qua rừng rậm, đường kéo pháo kín đáo thì được phép tranh thủ kéo pháo ban ngày. Sau hơn một tuần khẩn trương kéo pháo cả ngày lẫn đêm, các chiến sĩ của Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa quy định, bảo đảm bí mật, an toàn.
Nhưng, đến ngày 26/1/1954, Đảng ủy Mặt trận họp nhất trí với đề xuất của đồng chí Chỉ huy trưởng chiến dịch quyết định đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đại đoàn 312 lại được lệnh kéo pháo ra.
Để hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo ra, Chỉ huy trưởng quyết định thành lập Ban chỉ đạo, chỉ huy kéo pháo ra, có đồng chí Chính ủy pháo binh và đồng chí Lê Trọng Tấn - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 tham gia. Phiên họp đầu tiên bàn nhiều biện pháp lãnh đạo tư tưởng bộ đội, quyết tâm vượt khó, giữ vững lòng tin, nhấn mạnh việc kéo pháo ra phải an toàn tuyệt đối cả về người và pháo. Việc kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra còn khó gấp nhiều lần.
Để cô lập triệt để tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo mọi thuận lợi cho các đơn vị kéo pháo ra và cho công tác chuẩn bị của toàn chiến dịch, Đại đoàn 308 được lệnh mở cuộc tiến công mới vào phòng tuyến của địch ở lưu vực sông Nậm Hu (Thượng Lào) vào chiều ngày 26/1/1954.
Đại đoàn 312 chúng tôi bắt đầu kéo pháo ra từ ngày 27/1/1954. Trở lại những dốc đèo hiểm trở, đường kéo pháo ngày càng lầy lội, vì có hàng vạn người qua lại. Địch bắn đại bác trúng Đại đội 21 đang kéo pháo ra, một số chiến sĩ hy sinh và một số bị thương. Nhưng mọi người không hề nao núng.
Nhiệm vụ gian nan và nguy hiểm, đã có nhiều chiến sĩ ốm, sốt liên miên, không ăn uống được, cán bộ cho nghỉ vẫn xung phong kéo pháo. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thức trắng đêm. Ăn uống thì thiếu thốn, thiếu rau xanh nên phải đào củ mài, lấy bắp chuối, rau chuối, rau rừng để ăn thêm… Những đêm cuối tháng trời tối, đường dốc cheo leo, việc kéo pháo càng nặng nhọc, đổ cả mồ hôi và máu. Ở đơn vị bạn có anh Tô Vĩnh Diện đã hy sinh thân mình cứu pháo, rồi anh Nguyễn Văn Chức là pháo thủ đã lao cả thân mình vào bánh pháo để cứu không cho pháo tuột xuống vực. Nhiều đồng chí của ta cũng đã anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ. Trong thời gian kéo pháo, chỉ tính riêng Trung đoàn 141 của tôi đã có 29 đồng chí hy sinh, 106 đồng chí bị thương… Tấm gương anh dũng hy sinh của anh Diện, anh Chức đã cổ vũ tinh thần các chiến sĩ kéo pháo toàn đơn vị và trên khắp chiến trường.

1.-ho-do-ta-nao-keo-phao-ta-vuot-qua-deo.-anh-ttxvn(2).png
"Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo". Ảnh: TTXVN

Đúng thời điểm ấy, nhạc sỹ Hoàng Vân (lúc đó là Chính trị viên Đại đoàn 312) được phân công đi quan sát chiến trường để chuẩn bị đưa các tốp văn công xung kích vào phục vụ các đơn vị tham gia chiến đấu, đồng thời cũng thu thập thông tin để về viết bài cho bản tin của Đại đoàn.
Có mặt tại chiến địa, anh Vân đã được tận mắt chứng kiến cảnh các chiến sỹ đẫm mồ hôi trong sương đêm kéo những khẩu đại bác nặng vượt qua những núi cao, đèo dốc hiểm trở. Anh Vân cũng được anh em đồng đội kể cho nghe câu chuyện pháo thủ Nguyễn Văn Chức, anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình cứu pháo… Hình ảnh người lính pháo binh cứ thế hiển hiện trong tâm trí anh.
Sau này, anh Vân có kể lại rằng, trong một đêm rất lạnh, nằm trong hầm tối, văng vẳng bên tai là tiếng gà rừng eo óc gáy trên nương, rồi biết bao tiếng gà khác đáp lại, trong đầu anh Vân bỗng xuất hiện “tứ” nhạc. Thế là anh Hoàng Vân vùng dậy và cứ thế say sưa viết trong niềm xúc động: “Gà rừng gáy trên nương rồi, dấn bước ta đi lên nào! Kéo pháo ta sang qua đèo, trước khi trời hừng sáng”…
Tôi cũng cảm nhận được niềm xúc động của anh Hoàng Vân bởi ở nơi trận địa gian khổ vẫn được nghe những thanh âm thanh bình của cuộc sống mới quý giá làm sao. Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới, báo hiệu cuộc sống thanh bình, khát vọng của người lính chúng tôi. Hình ảnh tiếng gà vì thế đã đi vào bài hát của anh Vân một cách thật tự nhiên. Sau này chúng tôi nghe kể lại, khi viết xong “Hò kéo pháo”, anh Hoàng Vân lấy que ghim lên vách hầm như một bài báo tường, không hề nghĩ rằng bài hát sẽ lan rộng khắp các đơn vị nhanh như thế.
Sau khi ra đời, bài hát lập tức được các đội văn công truyền nhau, mang đi phục vụ các chiến sỹ, dân công… ngay bên các khẩu pháo, chiến hào... Những lúc bài hát cất lên, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Chính chúng tôi cũng nhanh chóng thuộc và tự hát để động viên nhau vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Điều làm chúng tôi cảm thấy rất nể phục anh Vân đó là khi sáng tác bài hát, anh Vân chưa phải là nhạc sĩ mà anh sáng tác “Hò kéo pháo” với tư cách là một chiến sỹ Điện Biên. Tôi cũng rất mừng vui vì sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bài hát “Hò kéo pháo” của anh Vân được trao giải Nhất tại Đại hội Liên hoan toàn quân. Còn anh Vân - nhạc sỹ Hoàng Vân thì được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên.
Đã nhiều năm trôi qua, cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến những ngày kéo pháo ở Điện Biên, trong tôi, bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sỹ Hoàng Vân lại trỗi dậy khiến tôi như sống lại trong không khí những ngày kéo pháo ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Một điều cũng làm cho tôi cảm thấy rất biết ơn đó là trong những ngày kéo pháo gian khổ, hậu phương đã gửi hàng ngàn lá thư, tặng phẩm, bánh chưng ra tiền tuyến cho bộ đội ăn Tết, cổ vũ phong trào thi đua lập công mừng xuân mới.
Đúng Tết âm lịch, ngày 5/2/1954, các đơn vị toàn Đại đoàn của tôi hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo ra đúng điểm quy định tại cây số 70 đường Tuần Giáo. Sau này, Đại đội 243 của tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Chúng tôi rất vui, tuy nhiên, với chúng tôi, niềm vui lớn nhất chính là chúng tôi đã góp sức mình làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt của dân tộc.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tại kể - Đại tá Đoàn Hoài Trung ghi

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tại kể - Đại tá Đoàn Hoài Trung ghi