Môi trường

Giải pháp thay thế nhựa dùng 1 lần

Ngân Hà 18/04/2024 - 10:00

(TN&MT) - Với mỗi cá nhân, tổ chức hay cộng đồng, hành động giảm rác thải nhựa thiết thực nhất là thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng những vật liệu thân thiện với môi trường hơn.

Hiện nay, thị trường Việt Nam đã có khá nhiều loại hình sản phẩm thay thế với nguyên liệu có nguồn gốc khác nhau. Theo khảo sát do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện, nhiều sản phẩm thay thế do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất như túi, bao bì từ vật liệu phân hủy sinh học, hộp giấy, hộp bã mía đựng thực phẩm, ống hút ngũ cốc làm từ tinh bột sắn và gạo, ống hút từ cỏ bảng, cây sậy... đã được xuất khẩu vào thị trường của nhiều khu vực và quốc gia như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nơi khác.

8a.jpg

Đối với thị trường trong nước, các doanh nghiệp sản xuất hiện đang cung cấp sản phẩm thay thế, bao gồm: túi, màng bọc thực phẩm, dao, thìa, nĩa, ống hút, cốc, nắp, bát, đĩa, hộp, khay, giấy gói, bọc hàng sinh học... cho một số chuỗi nhà hàng, khách sạn, chuỗi kinh doanh đồ thực phẩm, vui chơi giải trí, hàng không (tiêu biểu như Circle K, TiniWorld, Viet Nam Airlines, Vinamilk, Highland, Winmart...).

Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm tiêu dùng sản phẩm nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy dù đã có tín hiệu tích cực, nhưng chưa có hiệu quả rõ nét về thay đổi được hành vi tiêu dùng và xả thải của người dân. Hiện tại, gần như chưa thể kiểm soát hành vi tiêu dùng này tại các chợ, cửa hàng nhỏ, lẻ.

Để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Trung Thắng, trong thời gian tới, cần có những chính sách để tháo gỡ các khó khăn, hạn chế hiện nay trong việc phát triển các sản phẩm này, bên cạnh các giải pháp để hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Theo đó, cần có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế; quy định về áp dụng thuế, phí nhằm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; quy định, hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.

Để thúc đẩy thị trường, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong thiết kế, sản xuất, tiếp thị với các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường để mở rộng thị trường cho các sản phẩm thay thế.

Ngân Hà