Môi trường

NPAP Việt Nam: Nhiều nỗ lực góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa

Khánh Ly (thực hiện) 18/04/2024 - 09:59

(TN&MT) - Việt Nam là một trong những thành viên tích cực tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa, đặc biệt là thông qua Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP). Bắt đầu triển khai từ cuối năm 2021, đến nay, Chương trình NPAP đã có nhiều hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong việc thu hút sự tham gia của các bên liên quan và thúc đẩy nhiều cuộc đối thoại, xúc tác các cơ hội hợp tác và nhân rộng giải pháp giảm ô nhiễm nhựa.

Để hiểu rõ hơn về tác động của Chương trình, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT xung quanh nội dung này.

z5349873260250_70c730a7c27889dc43c6beef3b23a69b(1).jpg
Ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT

PV: Xin ông chia sẻ một số kết quả bước đầu qua hơn 3 năm triển khai Chương trình NPAP?

Ông Lê Ngọc Tuấn: Trong hơn 3 năm qua, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức và doanh nghiệp tích cực triển khai thực hiện Chương trình NPAP. Với sự điều phối và hỗ trợ kỹ thuật của UNDP tại Việt Nam, hỗ trợ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thông qua Chương trình Đối tác Hành động toàn cầu về Nhựa (GPAP), Chương trình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, Chương trình đã xây dựng và mở rộng mạng lưới các bên tham gia với gần 200 tổ chức, doanh nghiệp kết nối trong một nền tảng đa chủ thể nhằm chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm liên quan đến đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, đổi mới sáng tạo để giảm ô nhiễm nhựa, huy động tài chính và đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải và ô nhiễm nhựa, các giải pháp góp phần thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cũng như ghi nhận vai trò của lực lượng lao động khối phi chính thức trong quá trình quản lý chất thải rắn tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong năm 2023, Nhóm Công tác NPAP đã ra mắt Nhóm kỹ thuật về đổi mới sáng tạo và tài chính, cùng với Nhóm kỹ thuật về bình đẳng giới và phát triển bao trùm. Nhờ đó, số lượng các giải pháp và sáng kiến giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam trong năm 2023 đã tăng lên thông qua một số cuộc thi, sáng kiến giảm ô nhiễm nhựa do các thành viên mạng lưới NPAP tổ chức.

Chương trình NPAP cũng thực hiện và công bố một số các báo cáo quan trọng phục vụ việc giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, bao gồm: Báo cáo Nghiên cứu, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam; Báo cáo đánh giá hiện trạng về giới trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, có thể nói, Chương trình NPAP đã bước đầu thành công trong việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị tham gia nền tảng NPAP để tạo nên sức mạnh tập thể, cùng chia sẻ nguồn lực chuyên môn và tài chính nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa. Tận dụng lợi thế của nền tảng đa chủ thể, NPAP đã quy tụ các chủ thể liên quan để chia sẻ quan điểm và đóng góp ý kiến đối với việc Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Một dấu ấn quan trọng nữa, đó là Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ TN&MT và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) do Bộ trưởng Bộ TN&MT và Giám đốc điều hành WEF cùng ký kết ngày 1/12/2023, trong khuôn khổ Hội nghị COP28. Đây là động lực lớn hỗ trợ thực hiện Chương trình NPAP và thúc đẩy các sáng kiến có ý nghĩa nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, trong bối cảnh Việt Nam đang dần chuyển sang giai đoạn “tự vững”.

PV: Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất trong tiến trình giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam và định hướng trong dài hạn của Chương trình NPAP để giải quyết thách thức này?

Ông Lê Ngọc Tuấn: Hiện vẫn còn nhiều thách thức trong việc giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa ở Việt Nam.

Thứ nhất, chúng ta chưa có hệ thống quản lý và thu gom chất thải rắn phát triển tương ứng với lượng rác thải nhựa phát sinh. Các hoạt động thu gom chất thải hiện nay sử dụng nhiều lao động và hiệu quả chưa cao. Phí thu gom chất thải từ người tiêu dùng chưa đủ để chi trả cho các hoạt động thu gom và xử lý. Cùng với đó, vẫn thiếu hạ tầng cần thiết để xử lý lượng chất thải đã phân loại. Vì vậy, chưa khuyến khích người dân thực hiện việc phân loại rác.

Thứ hai, rác thải, trong đó có rác thải nhựa chưa được phân loại tại nguồn gây cản trở quá trình thu gom, tái chế và tái sử dụng rác, cản trở mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhựa. Nếu không phân loại rác thải nhựa thì phần lớn khối lượng nhựa sẽ được chuyển đến các bãi chôn lấp, nhà máy đốt rác. Thực tế hiện nay, hầu hết hoạt động phân loại diễn ra sau khi thu gom, gây khó khăn cho việc đảm bảo hiệu quả và chất lượng nhựa tái chế.

Thứ ba, hiện nay, các sản phẩm nhựa dùng một lần đang được sử dụng quá nhiều trong đời sống và khó có thể thay đổi ngay lập tức hành vi tiêu dùng. Điều đó xuất phát từ thực tế nhựa là vật liệu nhẹ, giá cả phải chăng, dễ sử dụng, bền và linh hoạt với nhiều ứng dụng. Do đó, với cách sử dụng nhựa như hiện nay, lượng chất thải sẽ tiếp tục tăng lên và có nguy cơ rò rỉ ra môi trường, đặc biệt là các loại nhựa có giá trị thấp và ít được thu gom, tái chế.

Để góp phần giải quyết những thách thức nêu trên, trong dài hạn, Chương trình NPAP sẽ tập trung thúc đẩy các chủ thể tham gia nền tảng NPAP thực hiện giải pháp, bao gồm: giảm thiểu và thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, không cần thiết; xây dựng và mở rộng năng lực tái chế mang lại hiệu quả kinh tế; mở rộng khu vực thu gom và xử lý an toàn chất thải rắn sinh hoạt.

Quy định về giảm thiểu và dừng sản xuất, sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, các tiêu chuẩn mới về chất lượng và an toàn của sản phẩm, vật liệu và giải pháp thay thế, đặc biệt là cơ chế EPR là rất cần thiết nhằm tiến tới mục tiêu giảm thiểu và thay thế các sản phẩm nhựa dùng 1 lần hoặc không cần thiết. Cần có nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thay thế cho bao bì nhựa đảm bảo tiện lợi, giá thành rẻ; các công cụ kinh tế như ưu đãi và trợ cấp để hỗ trợ các mô hình tái sử dụng hoặc vật liệu thay thế, hỗ trợ tài chính cho đổi mới sáng tạo cũng sẽ rất quan trọng nhằm bổ sung thêm các giải pháp.

Để thúc đẩy tái chế nhựa, cần tạo điều kiện thuận lợi thực hiện đồng thời các giải pháp: tăng cường thiết kế sản phẩm để tái chế hiệu quả thông qua cơ chế EPR; thúc đẩy công nghệ tái chế thông qua hỗ trợ, ưu đãi và quy định hạn chế xử lý bằng chôn lấp; thúc đẩy phát triển thị trường nhựa tái chế thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn mua sắm xanh và hạn chế sử dụng nhựa nguyên sinh; thu hút sự tham gia của lực lượng thu gom phi chính thức và giảm dần nhập khẩu phế liệu nhựa.

Để cải thiện khu vực thu gom chất thải rắn sinh hoạt, xử lý an toàn và ngăn chặn tình trạng xả rác, cần tăng cường huy động nguồn lực đầu tư bao gồm từ ngân sách và khu vực tư nhân để mở rộng khu vực thu gom và địa điểm xử lý chất thải an toàn; thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp kiểm soát rò rỉ tại bãi chôn lấp và bãi rác.

z5350057148820_623a8a9c8c3419522a1ea3b227de044d.jpg
Người dân thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ ở Quảng Nam

PV: Trong năm 2024, Chương trình NPAP sẽ tập trung vào các hoạt động nào, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Tuấn: Mục tiêu của Chương trình NPAP Việt Nam năm 2024 là tiếp tục tập trung hỗ trợ việc xây dựng và triển khai thực hiện tuần hoàn về nhựa bền vững và bao trùm hơn.

Cụ thể, Chương trình sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng lộ trình huy động tài chính và đầu tư để giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, bao gồm: xác định những khoảng thiếu hụt trong đầu tư hiện tại, các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, các nguồn vốn đầu tư phù hợp; phân tích, đánh giá và nhân rộng các cơ chế tài chính dành cho các hoạt động, sáng kiến giảm rác thải và ô nhiễm nhựa đã thành công. Kết quả của báo cáo lộ trình huy động tài chính sẽ góp phần đảm bảo huy động nguồn lực phục vụ nghiên cứu và đề xuất định hướng, giải pháp, sáng kiến giảm ô nhiễm nhựa một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Chương trình cũng điều phối và cùng phối hợp với các tổ chức, đơn vị có các hoạt động, chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi sử dụng nhựa quá mức và sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; thúc đẩy phổ biến thực hành tốt và sáng kiến trong giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Các hội nghị, hội thảo tham vấn, đối thoại chính sách, thúc đẩy đầu tư hỗ trợ triển khai dự án cũng sẽ tiếp tục được tổ chức, nhằm đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tận dụng tri thức và hiểu biết của các chuyên gia trong mạng lưới. Trong đó, phân loại rác tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải cũng như đảm bảo việc thực hiện EPR là các chủ đề quan trọng sẽ được đưa ra thảo luận và lồng ghép các nội dung liên quan.

Bên cạnh đó, NPAP cũng tập trung vào hỗ trợ đàm phán thực hiện thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và chuẩn bị sẵn sàng nội luật hóa các quy định khi thỏa thuận này được thông qua vào cuối năm 2024.

Để triển khai hiệu quả các hoạt động nêu trên, Bộ TN&MT sẽ tiến hành kiện toàn lại Nhóm công tác thực hiện Chương trình NPAP với sự tham gia của các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư quốc tế, các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (thực hiện)