Biến đổi khí hậu

Nắng nóng gay gắt, Sơn La tăng cường các giải pháp chống hạn

Nguyễn Nga 17/04/2024 - 18:16

(TN&MT) - Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 39 độ, có nơi trên 40 độ, như Yên Châu 40,8 độ; Mường La 41,5 độ. Nắng nóng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài, trên địa bàn huyện Thuận Châu có khoảng 141ha lúa có khả năng bị hạn, trong đó, trên 93ha diện tích bị hạn hẳn, không có nguồn bơm.

1(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công kiểm tra diện tích cà phê bị ảnh hưởng do nắng nóng tại huyện Thuận Châu.

Mực nước hồ Lái Bay, một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của huyện, ghi nhận mực nước thấp hơn cao trình mực nước dâng bình thường 9m, ước tính dung tích nước còn lại khoảng hơn 100.000m3, bằng 10% dung tích thiết kế.

Có khoảng 75 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn tại Thuận Châu có khả năng thiếu nước; nhiều diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, cây cà phê đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới, sản lượng sụt giảm.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, Sơn La hiện có 110 hồ chứa nước, gần 2.700 công trình thủy lợi lớn nhỏ, đảm bảo tưới tiêu cho trên 30.000 ha cây trồng và nuôi thủy sản, tiêu thoát lũ khu vực nông thôn, đô thị, với diện tích 64.600 ha. Song, ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài đã khiến lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ; nguồn nước trên các sông, suối, khe suối đang tiếp tục suy giảm.

Nắng nóng đã khiến hơn 1.300 ha lúa xuân bị ảnh hưởng do hạn hán; trong đó, gần 300 ha lúa có khả năng bị hạn do không có nguồn bơm; gần 50 ha phải chuyển đổi sang cây trồng khác do không có khả năng thu hoạch; nhiều diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng năng suất, sản lượng quả do cạn kiệt nguồn nước tưới.

4(1).jpg
Nhiều diện tích cà phê của người dân Sơn La đậu quả kém do thiếu nước tưới.

Về nước sinh hoạt, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn Sơn La hiện đang quản lý, vận hành, khai thác 30 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát, nắng nóng kéo dài đã khiến 7 công trình nguồn nước cạn kiệt không còn khả năng khai thác; 11 công trình nguồn nước suy giảm, không đủ lưu lượng phải hoạt động cầm chừng, cấp nước luân phiên; gây thiếu nước cho 9.785 hộ dân khu vực nông thôn với trên 34.700 người.

Trước mắt, Trung tâm Nước sạch và VSMT Nông thôn đã thực hiện khơi thông dòng chảy, thu gom các nguồn nước tự nhiên trong khu vực; cấp nước luân phiên nhằm đủ nước ăn, uống cho nhân dân; ưu tiên cấp nước cho các trường học, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ quan trụ sở. Song, một số công trình do đặc điểm điều kiện tự nhiên vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Theo dự báo từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh, ngày 17-18/4, nắng nóng và nắng nóng gay gắt vẫn tiếp tục diễn ra, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 -39 độ, có nơi trên 40 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 25-35%. Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

2(1).jpg
Diện tích cây dâu tây của nông dân Sơn La héo khô do thiếu nước tưới.

Tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, UBND tỉnh Sơn La đã giao Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn để chủ động kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động, linh hoạt tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước. Tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất.

Xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để triển khai giải pháp khắc phục, không để người dân thiếu nước sinh hoạt; trường hợp cần thiết huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước cung cấp cho người dân.

Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La chủ trì, chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước. Rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi để triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp.

3(1).jpg
Người dân áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng.
5(1).jpg
Người dân đào hố sâu, lót bạt để tích nước phục vụ tưới tiêu.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi tình hình ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, dự báo của cơ quan Trung ương để kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo nguy cơ hạn hán, thiếu nước cho các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố và người dân được biết để chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước.

Sở Công thương cũng đã yêu cầu các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương lập kế hoạch điều tiết cấp nước cho hạ du phù hợp với kế hoạch vận hành hồ chứa.

Duy trì lưu lượng dòng chảy tối thiểu sau đập 24/24 giờ theo Giấy phép khai thác nước mặt đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt để đảm bảo cấp đủ nước cho sản xuất của nhân dân vùng hạ du đập, đặc biệt trong mùa khô. Phối hợp với UBND cấp xã, chính quyền bản, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chủ động lấy nước sản xuất và sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

Nguyễn Nga