Phát triển Xanh

Quy chuẩn mới: Trạm dừng nghỉ phải có trạm sạc cho xe điện

Mạnh Hiển 17/04/2024 - 16:07

(TN&MT) - Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 09/2024 sửa đổi quy chuẩn quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 5/10/2024.

Theo Thông tư mới, trạm dừng nghỉ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng trên tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông.

Hệ thống trạm dừng nghỉ phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điểm đấu nối của đường ra vào trạm dừng nghỉ với đường bộ phải được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 50/2015 của Bộ GTVT. Các công trình, thiết bị của trạm dừng nghỉ phải được xây dựng, lắp đặt bảo đảm tương ứng với cấp công trình theo quy định tại TCVN 4319:2012 và các quy định liên quan khác.

Ngoài ra, hệ thống điện, nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc của trạm dừng nghỉ phải bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh, tuân thủ theo các quy định tại QCVN 07:2010/BXD, TCVN 4319:2012 để có thể cung cấp an toàn, liên tục, ổn định các dịch vụ cho người, phương tiện giao thông.

Hệ thống điện phục vụ cho các trụ, thiết bị sạc điện cho xe ô tô điện phải bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh theo nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư.

screenshot_1713343140.png
Trạm dừng nghỉ V52 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thông tư cũng quy định rõ, các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia làm 3 nhóm, gồm: Các công trình dịch vụ công (cung cấp dịch vụ miễn phí), các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ.

Trạm dừng nghỉ được chia làm 4 loại căn cứ vào diện tích tối thiểu và các hạng mục công trình bắt buộc phải có, các hạng mục khuyến khích...

Theo đó, căn cứ vào lưu lượng phương tiện, hành khách thông qua tuyến đường và điều kiện cụ thể của khu vực nơi xây dựng trạm dừng nghỉ để tính toán quy mô, năng lực cung cấp dịch vụ của trạm dừng nghỉ.

Các trạm dừng nghỉ bắt buộc có nơi cung cấp thông tin; khu vực ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; phòng trực cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông; không gian nghỉ ngơi (Khu vực có mái che và khu vực trồng cây xanh có ghế ngồi); khu vệ sinh; trạm cấp nhiên liệu; kết cấu mặt sân khu vực đỗ xe.

Trạm dừng nghỉ loại 1 và 2 bắt buộc phải có trạm cung cấp nhiêu liệu và khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoặc khu vực rửa xe. Đối với trạm loại 3 và 4 khuyến khích có hai hạng mục này.

Theo đó, đối với trạm loại 1 phải có diện tích tối thiểu là 10.000 m2, loại 2 có diện tích 5.000 m2, loại 3 có diện tích 3.000 m2 và loại 4 là 1.000 m2. Khu vực đỗ xe (diện tích tối thiểu), trạm loại 1 có diện tích tối thiểu 5.000 m2, loại 2 là 2.500 m2, loại 3 là 1.500 m2 và loại 4 là 500 m2.

Thông tư cũng quy định, số vị trí đỗ xe tối thiểu có thể bố trí xe ô tô vào sạc điện chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe; việc đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư. Đối với các trạm dừng nghỉ loại 1 và 2 bắt buộc có hạng mục này. Trạm loại 3 và loại 4 khuyến khích có.

Trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc xây dựng phải áp dụng quy mô trạm dừng nghỉ loại 1 hoặc loại 2 hoặc loại 3 và phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, khu vực vệ sinh phải đảm bảo chống thấm, chống ẩm ướt, thoát mùi hôi thối, thông thoáng, tường, mặt sàn và thiết bị phải luôn sạch sẽ.

Đối với khu vực cấp nhiên liệu phải được thiết kế, xây dựng, hoạt động đúng theo các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế cửa hàng xăng dầu QCVN 01:2020/BCT.

Đối với trạm dừng nghỉ có xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phải có hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; có biện pháp giảm thiểu bụi khí thải, hạn chế tiếng ồn, phát sáng, phát nhiệt ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Mạnh Hiển