Biến đổi khí hậu

Bình Phước: Hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm, ứng phó BĐKH

Thục Vy 17/04/2024 - 16:07

(TN&MT) - Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nông dân tỉnh Bình Phước đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiết kiệm nước tưới....để sản xuất nông nghiệp. Mặc dù bước đầu vẫn còn những khó khăn nhưng đây là bước đi đúng đắn giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững và người nông dân vươn lên thoát nghèo.

trai-cay.jpg
Thổ nhưỡng của Bình Phước rất phù hợp với cây ăn trái

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Tỉnh Bình Phước có địa thế cao khó tích trữ nước nên mùa khô hàng năm thường chống chọi với tình trạng hạn hán, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Do đó, các ban ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền để người dân chủ động sử dụng nước tiết kiệm, tổ chức huy động nhân dân nạo vét các ao, hồ tích nước nhằm dự trữ nước phục vụ cho sinh hoạt; sử dụng các vật dụng che ẩm, chống bay hơi mất nước cho cây trồng, khuyến cáo sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước hợp lý, tránh lãng phí…

Về phía người nông dân, trước những khó khăn hiện hữu đã chủ động ứng phó, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu. Đặc biệt, thổ nhưỡng của Bình Phước rất phù hợp với cây ăn trái, nhất là cây có múi. Do đó, nông dân ở nhiều địa phương đã chuyển đổi từ các cây hồ tiêu, cà phê… sang trồng cây ăn trái. Điển hình như ngành nông nghiệp huyện Phú Riềng với các loại cây trồng chủ lực như điều, cao su, hồ tiêu, cà phê. Nhưng thời gian gần đây, hiệu quả kinh tế cây công nghiệp thấp. Trong khi huyện có lợi thế đất đỏ bazan dồi dào, 7 hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu. Do đó, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.

Như gia đình ông Lầu Sy Nịp ở thôn 5, xã Long Bình (huyện Phú Riềng), từng trồng cây điều nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên quyết định cải tạo lại vườn để trồng bưởi da xanh. Khởi điểm với 2 ha vào năm 1996, hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này ngày càng phát huy đã giúp ông Lầu Sy Nịp mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích cây điều sang trồng cây ăn trái. Đến nay, trang trại rộng 38 ha của gia đình ông đã có 25 ha bưởi da xanh, 8 ha sầu riêng, diện tích còn lại được trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế khác giúp gia đình thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cũng như ông Lầu Ny Sịp, trang trại trồng quýt đường của ông Thái Văn Dương xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú), có hơn 5ha cây quýt đang cho trái. Hiện vườn quýt nhà ông Dương đã được 10 năm tuổi và đang cho trái năng suất cao. Với vườn quýt 5ha, mỗi năm ông Dương thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. Đáng nói, dù chỉ phát triển mạnh trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng trái cây Bình Phước đã được người tiêu dùng biết đến, giúp người nông dân có thu nhập đáng kể. Chị Nguyễn Thị Thùy Châm ở phường Phước Bình (TX. Phước Long) cho hay, mặc dù mới trồng bơ sáp xen mãng cầu (na) Thái Lan chỉ vài năm nay nhưng với thị phần ngày càng mở rộng, giá cả ổn định và năng suất cao nên gia đình chị quyết định mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.

kenh-1.jpg
Các công trình thủy lợi góp phần quan trọng “giải hạn” cho hàng ngàn hecta cây trồng

Chủ động nguồn nước tưới
Cùng với chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân ở Bình Phước cũng ứng dụng biện pháp kỹ thuật tưới tiêu trong nông nghiệp nhằm giảm thất thoát và tiết kiệm nước. Trong đó, tưới nước tiết kiệm hợp lý cho cây trồng cũng là giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay. Nhận thấy lợi ích của công nghệ tưới tiết kiệm, gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở xã Phước Tân (huyện Phú Riềng) đã bỏ ra 20 triệu đồng mua các vật dụng để tự thiết kế hệ thống phun tưới tiết kiệm cho 7ha cây ăn trái. Hệ thống tưới bằng năng lượng kết hợp tưới nhỏ giọt, phun sương giúp vườn cây ăn trái của gia đình phát triển tốt trong mùa khô, tiết kiệm được nguồn nước.

Còn gia đình ông Trần Đình Tâm ở xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) dù chỉ có 2ha quýt đường nhưng luôn gặp khó khăn về nước tưới vào mùa khô. Năm 2015, gia đình ông chi 8 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới nước phun sương tự động. Ưu điểm của hệ thống phun sương là vừa tiết kiệm nước vừa tiết kiệm công lao động nên thuận tiện rất nhiều cho gia đình ông.

Ngoài việc người dân ứng dụng việc tiết kiệm nước trong tưới tiêu, các ban ngành địa phương cũng chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nước hiệu quả, các công trình thủy lợi đang góp phần quan trọng “giải hạn” cho hàng ngàn hecta lúa, hoa màu, cây ăn trái của nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Lộc Ninh có 20 công trình thủy lợi lớn, nhỏ đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 2.000 ha cây trồng. Một trong những hồ thủy lợi phát huy hiệu quả nhất là hồ Rừng Cấm thuộc địa phận thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Tấn. Ngoài cung cấp nước sạch cho 1.050 hộ dân khu vực trung tâm huyện Lộc Ninh, hồ Rừng Cấm còn có nhiệm vụ điều tiết nước cho 3 đập dâng để cấp nước tưới cho 500 ha cây công nghiệp, cây ăn trái, cây lúa và hoa màu cho người dân các xã Lộc Thái, Lộc Hưng, Lộc Điền, Lộc Khánh.

Còn huyện Bù Đốp, hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn đang được xem là “quả cầu nước” giải khát giữa mùa khô hạn. Hiện hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn có khoảng 18km kênh chính và 43km kênh nhánh đang phục vụ tưới 160 ha lúa mỗi vụ và 320 ha cây công nghiệp, cây ăn trái trên địa bàn huyện. Ngoài ra, công trình này còn cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch tập trung thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp. Công trình nước sạch đang cung cấp nước sinh hoạt thường xuyên cho 120 hộ dân. Bên cạnh đó, công trình thủy lợi sau Cần Đơn còn góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn nước cho hàng ngàn giếng đào, giếng khoan trên địa bàn huyện Bù Đốp…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh có 73 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 62 hồ chứa vừa và nhỏ, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn, với năng lực thiết kế tưới là 9.286 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt với công suất 133.642m3/ngày đêm.

Qua đó, phục vụ tưới đến nay là 6.939 ha (đạt 75,04% công suất thiết kế) và cấp nước sinh hoạt 10,106 triệu m3/năm (đạt 20,71% công suất thiết kế). Tổng diện tích tưới chủ động theo thiết kế của các công trình thủy lợi đạt 13,07% so với tổng diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn tỉnh. Đối với diện tích cây trồng còn lại, người dân trong tỉnh phải dùng biện pháp như bơm điện, bơm dầu từ nguồn nước sông, suối, ao, hồ, nước ngầm trên địa bàn.

Có thể nói, những năm qua các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Phước luôn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân, song nguồn lực còn hạn chế. Các công trình chỉ đáp ứng được nước tưới trong khu vực dự án, trong khi nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn. Vì vậy, việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước là những giải pháp hữu hiệu. Qua đó, vừa ổn định diện tích sản xuất vừa đảm bảo nguồn nước tưới cây trồng vào mùa khô.


.

Thục Vy