Khoáng sản

Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định

Mai Đan 17/04/2024 - 13:26

(TN&MT) - Đó là khẳng định của Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khi ông chủ trì phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào sáng 17/4, tại Hà Nội. Đồng chủ trì phiên họp còn có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Cùng dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên; đại diện lãnh đạo các uỷ ban của Quốc hộ và các bộ, ban ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp…

_mg_3784.jpg
Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh chủ trì phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Việc xây dựng, ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án Luật theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch cụ thể; tổ chức khảo sát tại một số địa phương; tổ chức hội thảo quốc tế, tọa đàm chuyên gia và nghiên cứu về dự án Luật. Hôm nay, Thường trực Ủy ban tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật này dự kiến vào ngày 23/4 tới.

_mg_3803.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu khai mạc phiên họp

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu.

_mg_3864.jpg
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp

Đồng thời, thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp (thủ tục của mỏ đất san lấp phải thực hiện như một mỏ vàng). Ngoài ra, việc thu tiền cấp quyền theo trữ lượng khoáng sản được cấp phép là chưa phù hợp.

Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Dự thảo Luật được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 1 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua). Dự thảo Luật được xây dựng với bố cục, nội dung được bám sát vào 5 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội.

_mg_3831.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại phiên họp

Đồng chủ trì phiên họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành, bổ sung một số quy định mới, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục bất cập trong thực tiễn; đồng thời luật hóa một số quy định từ Nghị định của Chính phủ đã thực hiện ổn định trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư; Luật Quy hoạch và các luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đối với một số nội dung trong dự thảo đưa ra, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ quy định chung (phạm vi điều chỉnh; phân nhóm khoáng sản; quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác); chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất và điều tra địa chất về khoáng sản khu vực khoáng sản.

Các đại biểu cũng cần trao đổi làm rõ các nội dung về sử dụng đất, nước, khu vực biển và hạ tầng, kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản; hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản, chế biến khoáng sản; bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản; quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

_mg_3852.jpg
Quang cảnh phiên họp

Trước đề nghị trên, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề chính sách lớn, quan điểm, mục tiêu xây dựng dự án luật; sự đầy đủ, phù hợp khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới đây; thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sự cần thiết quy định như dự thảo luật, bảo đảm tổ chức các nhân sử dụng ngân sách nhà nước trong khai thác khoáng sản; giấy phép khai thác khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản.

Cùng với đó là các vấn đề về cách tiếp cận khai thác, dự trữ khoáng sản cho tương lai; bất cập trong chính sách xuất và nhập khẩu khoáng sản; việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong khai thác khoáng sản nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường; xã hội hoá đối với việc thăm dò khai thác khoáng sản; việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương đối với việc khai thác khoáng sản…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu để Bộ sớm hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Uỷ ban thống nhất ý kiến về việc dự án Luật đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét theo quy định hiện hành.

Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, trong đó tập trung vào quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật này; phạm vi điều chỉnh, nội dung các chương, điều của dự thảo Luật. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu các ý kiến góp ý; dự kiến những vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật làm cơ sở để báo cáo bổ sung tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới.

Mai Đan