Người thầy giáo ở lớp học đặc biệt
Để con chữ “nảy mầm” trên những triền đồi cao ở các bản làng người Mông, huyện Mường Lát (Thanh Hoá) có những hi sinh rất đỗi thầm lặng của người lính quân hàm xanh.
Một tuổi thơ nhọc nhằn
Chiều xế bóng sau rặng núi xa xa, mùi khói bếp cay nồng phủ khắp bản Tà Cóm, xã Trung Lý đâu đó trong gió có tiếng ê a học đánh vần. Dừng lại bất chợt bên điểm trường tiểu học bản Tà Cóm, hình bóng màu áo quen thuộc đang cần mẫn gõ thước, dạy đánh vần. Lớp học rất đặc biệt, khi học sinh đều là những người ở lứa tuổi trung niên, đang học tiếng việt vỡ lòng.
Hỏi trưởng bản mới biết, đó là Đại úy Hơ Văn Di, người dân tộc Mông, nhân viên Đội vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Trung Lý. Hình ảnh người thầy giáo quân hàm xanh với chiếc xe máy cũ băng rừng, lội suối đến lớp xóa mù chữ đã rất đỗi quen thuộc.
Tranh thủ giờ giải lao giữa giờ, trò chuyện được biết Hơ Văn Di sinh ra và lớn lên tại bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, là con thứ sáu trong gia đình nghèo. Di là chàng trai hiếm hoi ở bản Cơm được học hết lớp chín dù cái đói vẫn đeo đẳng mỗi buổi tới trường.
Dù cái đói nghèo vẫn đeo đẳng gia đình chín miệng ăn, trong bản nhiều đứa trẻ phải nghỉ học để cùng gia đình lên nương rẫy, thế nhưng bố mẹ vẫn quyết tâm cho Di tới trường. Lên chín tuổi bố mất trong cơn bạo bệnh, bao vất vả dồn lên đôi vai người mẹ, những khó nhọc hằn sâu trên khuôn mặt người phụ nữ lam lũ.
Trong tâm trí non nớt của Di, đã nhiều lần mẹ kìm nước mắt, thở dài: Di ơi! Nhà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, mày phải theo mọi người trong nhà mà lên nương, lên rẫy, đào lấy củ măng, trồng lấy củ sắn nhét vào cái bụng rỗng, chứ cái chữ không làm cho mày no được đâu.
Mỗi lần nghe mẹ nói vậy, Di im lặng giấu đi sự hốt hoảng, sợ không còn được tới lớp, học con chữ nữa. Để rồi, đứa bé ấy tự giác thức dậy lúc gà chưa gáy làm hết việc như nấu cám cho lợn, kiếm cỏ cho bò rồi mới tới trường. Buổi tối sau khi học bài xong, Di cũng không dám đi ngủ sớm, vì lo mẹ vất vả, cậu lại cùng mẹ làm nốt những việc còn lại.
Trong suy nghĩ non nớt của Di, chỉ mong muốn được tới trường, được học tiếp những bài học còn dang dở. Chặng đường tới trường của Di gian nan theo từng con suối, cánh rừng. Số ít những đứa trẻ được đi học ở bản Cơm như Di phải đùm cơm độn sắn lội suối, băng rừng từ khi gà gáy để tới được điểm trường.
Bước vào cấp 2, Di phải xa mẹ và các anh chị để tới trường học tập trung. Ngày ấy phòng học còn tạm bợ bằng tre nứa lá, không có chỗ cho học sinh ngủ. Những em học sinh như Di được thầy cô dựng lán ở tạm. Những ngày mùa đông thì gió rét cắt da, mùa hè gió Lào thổi rát mặt. Sau mỗi buổi tan học, cậu bé Di vào rừng hái măng, rau rừng làm thức ăn. Cuộc sống tự lập giữa núi rừng của cậu bé ăn chưa no, lo chưa tới. Có những hôm trời mưa, bữa cơm chỉ có bát nước suối và mấy hạt muối trắng.
Chặng đường đi học gian nan, thấm bao nhiêu gian truân của Di để đổi lấy con chữ. Di vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng thật nhiều, gác lại mọi chuyện tiếp tục học, có văn hóa mới thoát nghèo được.
Năm 19 tuổi, Di lấy vợ, cùng sinh sống ở bản Cơm nơi Di sinh ra. Tận mắt chứng kiến mảnh đất Pù Nhi, khi đó là “thủ phủ” của cây thuốc phiện và vấn nạn buôn bán ma túy xuyên biên giới. Thời ấy, thuốc phiện được ví như “cơm đen” để chống lại trận ốm, những ngày lạnh giá. Nhiều người nói, đôi khi còn ngửi thấy mùi thuốc phiện ngai ngái trong cơn gió qua bản.
Tập tục du canh, du cư, trồng thuốc phiện trên nương như cây lúa, cây vừng và nhiều tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào Mông nơi đây. Di vẫn đau đáu về những tệ nạn ở bản, ở xã mình. Năm 2000, Di quyết định làm chàng tân binh biên phòng tại Đồn Biên phòng Quang Chiểu.
Môi trường kỷ luật của quân đội càng tôi luyện bản chất rắn rỏi, dẻo dai của người con núi rừng. Là người lớn lên từ bản làng, Di mong muốn góp một phần nhỏ bé cùng đổi thay quê hương, nơi cái đói nghèo lạc hậu cứ đeo bám mãi.
Tháng 9 năm 2001, Di được Chỉ huy đơn vị cử đi học lớp văn hóa ngoại ngữ ở Hưng Yên trong hai năm. Ngày đó mỗi khi đi học Di phải đi bộ suốt nhiều ngày, vượt qua hàng chục ngọn núi đá tai mèo, lội qua không biết bao nhiêu con suối, để tới được thị trấn Hồi Xuân huyện Quan Hóa, rồi mới bắt xe đi tỉnh Hưng Yên.
Di kể, vào một ngày giữa tháng 6, gió Lào phả từng đợt rát mặt, cây cối hai bên đường đều khô cháy. Di một mình đi bộ từ Đồn Biên phòng Quang Chiểu, tới khu vực dốc cổng trời ở xã Trung Lý, trời lúc ấy cũng xế bóng, bỗng cơn sốt rét ập tới, không gắng gượng nổi, Di gục ngã bên vệ đường. Được một gia đình người Mông đưa về chăm sóc, sáng sớm hôm sau Di tỉnh dậy, mọi người trong gia đình hỏi han tận tình. Cụ già trong nhà còn trao vào tay Di đùm cơm nắm với thịt gà mang theo. Di nhớ mãi về nghĩa tình của một gia đình người Mông xa lạ ấy.
Năm 2003, khi hoàn thành chương trình học, Di được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Pù Nhi. Đến năm 2004, Di được đơn vị cử đi học lớp nghiệp vụ biên phòng ở Bắc Giang, tháng 9 năm 2005 về đơn vị cũ tiếp tục công tác. Tháng 5 năm 2006 được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý cho đến nay, với cấp hàm Đại uý và là nhân viên Đội vận động quần chúng.
“Gieo chữ” từ những lớp học đặc biệt
Khi đêm xuống, rừng núi âm u tĩnh mịch đến gai người. Con đường đưa được cái chữ, đưa ánh sáng của tri thức đến với đồng bào Mông muôn vàn gian truân nhưng vẫn không ngăn được bước chân của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Trung Lý.
Điểm trường tiểu học bản Tà Cóm sáng đèn, lớp học xóa mù chữ như làm bừng lên sức sống giữa màn đêm u tịch. Đều đặn, mỗi tối từ thứ 2 tới thứ 6 vang lên tiếng ê a đánh vần, bập bẹ đọc từng chữ của đồng bào Mông trong bản. Đúng bảy giờ tối, bà con trong bản lại í ới gọi nhau tới lớp. Học sinh trẻ nhất chừng 20 tuổi, có chị địu cả con trên lưng tới học, người đã gần 50 tuổi vẫn ham học để xóa mù chữ.
Chị Hoàng Thị Dung, một học sinh của lớp học đặc biệt chia sẻ: “Ngày nhỏ nhìn các bạn trong bản được đi học thì tủi thân lắm, nhà đông người, nên mình phải nghỉ học trông em. Nay được đi học vui lắm, học không hiểu thì nhờ thầy giảng lại, thầy Di rất nhiệt tình chỉ bảo, thầy là người Mông nên có những điều khó diễn đạt thầy trò cùng trao đổi bằng tiếng Mông, nên mình dễ hiểu bài lắm. Nhờ có các chú bộ đội mà chữ đầu tiên mình biết viết và đánh vần là tên của mình”.
Sách học theo chương trình xóa mù chữ do Bộ Giáo dục xuất bản, không bán ngoài thị trường nên mỗi bàn chỉ có một cuốn sách cũ dùng lại qua các năm trước. Bút, vở do anh em trong đồn góp tiền mua tặng chị em. Sau mỗi buổi học, các thầy trong tổ công tác còn thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền việc chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng cho người dân thêm hiểu biết.
Là người con của bản làng vùng cao, Di hiểu chị em phụ nữ phải sống thế nào, bị trói buộc bởi những sợi dây vô hình, đó là những hủ tục lạc hậu như: trọng nam khinh nữ, cướp vợ, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết… Việc phụ nữ biết chữ, dần trang bị thêm các kiến thức về cuộc sống cũng chính là cách đẩy lùi hủ tục, đói nghèo ở vùng cao Mường Lát.
Thầy giáo Di luôn tìm cách dạy sao cho thật gần gũi, để bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu, để con chữ không rơi rụng trên đường lên nương rẫy.
Hình ảnh bà con hàng đêm miệt mài đi tìm con chữ, đánh vật với cây bút luyện viết từng chữ bởi bàn tay chai sần quen với cái cuốc cái cày làm Di nhói lòng. Giống với hình ảnh của cậu bé Di năm xưa, dù cái bụng không mấy bữa được no, nhưng vẫn khát khao được học. Nơi lớp học đặc biệt giữa núi rừng bao la, cho thấy tình quân dân thắm thiết, như cá với nước, keo sơn một lòng.
Bản Tà Cóm có 111 hộ với 612 nhân khẩu thì có tới hơn 60% nằm trong diện hộ nghèo. Giao thông đi lại khó khăn, phải đi qua sông, cách trung tâm xã 50km khiến Tà Cóm gần như bị biệt lập với thế giới bên ngoài. Tà Cóm vẫn là bản nghèo nhất của Mường Lát với rất nhiều cái không, không đường bê tông, không sóng điện thoại… Những chị em ở đây được đi học đều rất vui mừng, phấn khởi, đi học vui được các thầy dạy cho con chữ, đi đâu biết ký tên mình không phải điểm chỉ như trước nữa.
Vào tháng 12/2023, Hơ Văn Di vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới giáo dục và đào tạo.
Công việc dạy chữ của thầy giáo Di được ví như người làm nghề chèo đò, con đò nào cập bến thành công là đã giúp bà con thoát mù chữ và hi vọng về một tương lai đẩy lùi hủ tục và đói nghèo. Người thầy giáo quân hàm xanh làm nhiệm vụ “cõng chữ” lên non, có niềm động viên tinh thần là mỗi ngày nhà giáo Việt Nam các chị em đã biết viết lời chúc mừng gửi tới người thầy.
Sau những buổi tối lên lớp với đồng bào, người thầy giáo quân hàm xanh lại lặng thầm trở lại với những cung đường dốc chồn chân vó ngựa để bảo vệ dải đất biên cương. Nơi đây, Di đã gửi gắm cả tuổi thanh xuân, trải qua hơn nửa đời người, tất cả chỉ gói gém lại là tình yêu với bản làng, quê hương với trăn trở, thao thức mỗi đêm làm sao để đổi thay vùng đất biên cương gian nan ấy.