Biến đổi khí hậu

Sự nóng lên của đại dương đang “thảm sát” san hô toàn cầu

Mai Đan 16/04/2024 - 19:48

(TN&MT) - Khủng hoảng khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục đã gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ hai trong một thập kỷ, đe dọa các hệ sinh thái biển quan trọng, nơi cung cấp hàng hóa và dịch vụ ước tính trị giá 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Hiện tượng tẩy trắng toàn cầu lớn thứ 2 trong thập kỷ

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), hiện tượng tẩy trắng san hô này đã bắt đầu vào tháng 2/2023, và ảnh hưởng đến các rạn san hô ở mọi lưu vực đại dương lớn trên khắp 54 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Derek Manzello, điều phối viên của Cơ quan theo dõi rạn san hô của NOAA, cơ quan giám sát toàn cầu về nguy cơ tẩy trắng san hô nhận định, sẽ phải mất một thời gian để thực sự hiểu được tác động của hiện tượng này. Theo ông, các nhà khoa học đã xác nhận tỷ lệ tử vong của san hô lên tới 93% tại các rạn san hô ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Mexico.

gopr0951.jpg
Chúng ta có thể phải đối mặt với thời kỳ tẩy trắng san hô tồi tệ nhất trong lịch sử do sức nóng của đại dương

Điều phối viên này cho biết thêm: “Nhiều khả năng hiện tượng này sẽ sớm vượt qua mức đỉnh 56,1% trước đó. Tỷ lệ các khu vực rạn san hô sẽ bị tẩy trắng đã tăng khoảng 1% mỗi tuần”.

Khi san hô chịu áp lực từ các đợt nắng nóng ở biển, chúng sẽ thải ra tảo sống trong mô của chúng. Nếu nhiệt độ đại dương không trở lại bình thường, hiện tượng tẩy trắng có thể dẫn đến cái chết hàng loạt của san hô, đe dọa sự sụp đổ của các loài và chuỗi thức ăn phụ thuộc vào chúng.

Điều này đánh dấu hiện tượng tẩy trắng toàn cầu lần thứ tư trên thế giới và lần thứ hai trong thập kỷ qua - sau các giai đoạn trước đó vào năm 1998, 2010 và giữa năm 2014 - 2017.

Trong năm 2023, hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt đã được xác nhận ở các khu vực bao gồm Florida và vùng Caribe rộng lớn hơn, Mexico, Brazil, Úc, Nam Thái Bình Dương, Biển Đỏ, Vịnh Ba Tư, Indonesia và Ấn Độ Dương bao gồm bờ biển phía Đông Châu Phi và Seychelles.

Giáo sư Ove Hoegh-Guldberg, nhà khoa học khí hậu chuyên về các rạn san hô đến từ Đại học Queensland (Australia) đã dự đoán hiện tượng tẩy trắng hàng loạt này xảy ra từ nhiều tháng trước. "Chúng tôi biết nhiệt độ nước biển đang tăng nhanh nhưng không phải ở tốc độ này. Vấn đề đáng lo ngại là chúng ta không thể biết sự thay đổi nhiệt độ lớn này có thể kéo dài bao lâu", ông Hoegh-Guldberg cho hay.

12 tháng qua được ghi nhận là thời điểm nóng nhất hành tinh và nhiệt độ đại dương đã tăng vọt. Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Ủy ban Châu Âu, nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2 và một lần nữa vào tháng 3 vừa qua.

Vào tháng 2, các nhà khoa học tại chương trình theo dõi rạn san hô của NOAA đã bổ sung 3 cấp độ cảnh báo mới vào bản đồ cảnh báo tẩy trắng san hô, giúp các nhà khoa học đánh giá quy mô mới của hiện tượng nóng lên dưới nước.

La Nina sẽ mang đến "tia hy vọng" cho các rạn san hô?

Ông Derek Manzello cho biết, sự chuyển đổi trong hình thái thời tiết được gọi là Dao động El Nino - phương Nam từ El Nino hiện tại sang hình thái thời tiết La Nina mát mẻ hơn có thể sẽ mang lại thời gian nghỉ ngơi cho nhiều khu vực khác nhau và dẫn đến mức giảm về tỷ lệ khu vực rạn san hô bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nhiệt độ đại dương gần đây đã tăng cao đến mức có nguy cơ cho thấy, các mô hình thông thường có khả năng sẽ bị thay đổi.

“Trong khi đó, các rạn san hô ở Florida đã ghi nhận tỷ lệ tử vong 100% ở một số khu vực sau khi nhiệt độ đại dương chạm ngưỡng 38,3 độ C vào năm ngoái”, ông Phanor Montoya-Maya, Giám đốc phụ trách chương trình phục hồi tại Tổ chức Phục hồi San hô (CRF), nơi nuôi dưỡng san hô trong các vườn ươm trên khắp quần đảo Florida Keys, cực Nam của bang Florida, Mỹ cho biết thêm.

Vào giữa tháng 2 năm nay, hiện tượng tẩy trắng san hô trên diện rộng đã xảy ra tại Rạn san hô Great Barrier của Australia - hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới - trên 5 rạn san hô khác nhau khắp khu vực phía Bắc và phía Nam.

Vào tháng 3 vừa qua, hiện tượng tẩy trắng hàng loạt cũng đã được chính thức xác nhận sau các cuộc khảo sát trên không và dưới nước của Viện Khoa học Hàng hải Úc (AIMS) và Cơ quan Công viên Hàng hải Rạn san hô Great Barrier.

gettyimages-1795906860-20240415065312317.jpg
Thợ lặn bơi qua những rạn san hô bị tẩy trắng ở vùng biển Raja Ampat Regency thuộc vùng Tây Papua, phía Đông Indonesia

Ông Selina Stead, Giám đốc điều hành của AIMS ghi nhận tần suất và mức độ ngày càng tăng của các đợt nắng nóng trên biển do biến đổi khí hậu đang thử thách mức độ chịu đựng của các rạn san hô. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với các rạn san hô trên thế giới và sự xác nhận toàn cầu này cho thấy tác động lan mạnh trong 12 tháng qua.

"Đó là lý do tại sao thế giới phải nỗ lực giảm lượng khí thải carbon. Điều quan trọng nữa là đảm bảo các rạn san hô được quản lý tốt ở cấp địa phương và khu vực", ông Stead nhấn mạnh.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng nếu thế giới không tích cực giảm lượng khí thải, hành tinh này sẽ nóng lên gần 3 độ C so với mức tiền công nghiệp vào thế kỷ này.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo, khi nhiệt độ tăng lên 2 độ C - mức mà thế giới có thể đạt tới vào khoảng năm 2050 thì khoảng 99% san hô trên Trái đất sẽ chết.

Ông David Ritter, Giám đốc điều hành của Greenpeace Australia nhấn mạnh các rạn san hô đang phải đối mặt với mối nguy hiểm hiện hữu và nguyên nhân trực tiếp thuộc về các công ty nhiên liệu hóa thạch và các chính phủ hỗ trợ ngành công nghiệp này.

"Chúng ta phải hành động nhanh chóng để đảm bảo chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới", ông David Ritter nói thêm.

Các rạn san hô là nơi sinh sống của khoảng 1/4 sinh vật biển. San hô cũng cung cấp thực phẩm, sinh kế và bảo vệ bờ biển cho khoảng 1 tỷ người. Theo một nghiên cứu của Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu (GCRMN), san hô hỗ trợ hoạt động kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, bao gồm cả 36 tỷ USD trong ngành du lịch.

Mai Đan