Biến đổi khí hậu

Gần 74.000 hộ dân vùng ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt

Khánh Ly 16/04/2024 - 10:48

(TN&MT) - Theo Cục thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), gần 74 nghìn hộ dân trong vùng Đồng bằng sông cửu Long hiện sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Cụ thể theo báo cáo mới nhất đến ngày 15/4, tỉnh Tiền Giang có 8.800 hộ thiếu nước; Long An 4.900 hộ; Bến Tre 25.000 hộ; Sóc Trăng 6.400 hộ; Bạc Liêu 4.900 hộ; Kiên Giang 20.000 hộ và Cà Mau 3.900 hộ.

Các khu vực dân cư bị thiếu nước do nguồn nước dưới đất bị suy giảm, không đủ khả năng cấp theo yêu cầu như khu vực vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc tỉnh Long An, các huyện U Minh, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau. Nguồn nước mặt tại một số công trình cấp nước tập trung bị nhiễm mặn với độ mặn vượt ngưỡng cho phép như các công trình cấp nước các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang. Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt không đủ cấp do hạn hán như các công trình cấp nước tại các xã Long Cang, Long Định huyện Cần Đước, Long An.

Các hộ dân sống phân tán ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và chưa được cấp nước từ công trình cấp tập trung và thiếu dụng cụ trữ đủ nước ngọt để sử dụng trong thời kỳ bị thiếu nước, xâm nhập mặn ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang.

d1-1712622610891.jpg
Người dân mang can đến các vòi nước công cộng hứng nước

Nguồn nước ngọt trong kênh cạn kiệt cũng khiến bờ kênh không được giữ ổn định, dẫn đến xảy ra tình trạng sụt lún đất, sạt lở đất ven kênh, rạch, đường giao thông kết hợp kết hợp/ven bờ kênh tại các vùng ngọt hóa ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, ảnh hưởng đến đi lại và nhà cửa của người dân. Tổng cộng hiện có 901 điểm bị sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài 23,4 km (Cà Mau 601 điểm, 15,9 km; Kiên Giang 310 điểm, 7,5 km).

Cơ quan chức năng nhận định, xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ đầu mùa khô tính đến nay (15/4/2024) ở mức cao hơn TBNN và cùng kỳ năm 2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016, 2019-2020. Nhìn chung, diễn biến thực tế xâm nhập mặn phù hợp với thông tin nhận định đã được các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp từ tháng 9/2023.

Từ đầu mùa khô đến nay, tổng lượng mưa khu vực này thấp hơn TBNN từ 10-30%. Đáng chú ý, nhiều nơi cả tháng không có mưa như tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trạng thái El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính từ khoảng tháng 4-6/2024 với xác suất 75-80%, từ tháng 7-9/2024 có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 55-65%.

Về tổng lượng mưa, tại Nam Bộ dự báo phổ biến thiếu hụt từ 10-30% so với TBNN trong tháng 4 - 5/2024, từ tháng 6-8/2024 ở mức xấp xỉ so với TBNN.

Theo ông Lương Văn Anh – Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn có khả năng đã qua đỉnh điểm. Dự báo trong thời gian còn lại của mùa khô các đợt xâm nhập mặn tới xuất hiện ở mức thấp hơn đợt nửa đầu tháng 3/2024 nhưng vẫn tương đối cao, thời gian ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4/2024.

Ở vùng hai sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn tiếp tục tăng, có khả năng đạt đỉnh điểm trong tháng 4 và tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 5/2024. Thời gian các đợt xâm nhập mặn cao vào các ngày 22-25/4, 6-10/5. Trong thời gian còn lại của mùa khô, trường hợp các hồ chứa phía thượng lưu vận hành giảm xả bất thường thì xâm nhập mặn có thể tăng cao hơn dự báo.

picture1.jpg

Tác động đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh giảm dần so với hiện tại; tuy nhiên, do mức độ vẫn tương đối cao. Để bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại, Cục Thủy lợi đặc biệt khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi sát diễn biến xâm nhập mặn và tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức địa phương, cơ quan chuyên môn để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.

Từ thực tế ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm vừa qua ở ĐBSCL, một số giải pháp trước mắt đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thực hiện, mang lại hiệu quả cao như:

- Theo dõi, giám sát, dự báo sớm tình hình nguồn nước, xác định cụ thể phạm vi và mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn để xây dựng kế hoạch ứng phó trên tinh thần chủ động thích nghi.

- Tổ chức điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản phù hợp với từng vùng sinh thái.

- Điều chỉnh thời vụ, tổ chức xuống giống sớm để bảo đảm né thời điểm xâm nhập mặn lên cao.

- Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi trữ nước, chuyển nước, kiểm soát mặn, ngọt, ...

- Tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như: Nạo vét kênh mương, đắp đập tạm, đào ao, giếng trữ nước ngọt, lắp đặt bơm dã chiến…

- Thực hiện kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ người dân mua thiết bị lọc, trữ nước, vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Khánh Ly