Tây Giang (Quảng Nam): Phát triển cây dược liệu hữu cơ từ “kho báu” của rừng
Thời gian gần đây, đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã cùng nhau liên kết sản xuất dược liệu hữu cơ theo mô hình HTX không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển những cây dược liệu quý mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho các công ty dược, hướng đến phát triển kinh tế bền vững cho người dân và bảo vệ môi trường.
Sinh kế từ rừng
Huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) được thiên nhiên ưu đãi khí hậu, thổ nhưỡng cùng hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Những năm gần đây, mô hình trồng dược liệu chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hóa học đang được địa phương triển khai mạnh mẽ.
Gia đình anh A Lăng Lơ, ở xã biên giới Ch’ơm, huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) hiện đang trồng 4 héc ta đẳng sâm cho thu nhập ổn định. Anh Lơ cho biết, từ khi có các Hợp tác xã liên kết, giám sát chặt chẽ từ khâu trồng trọt, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm, giúp bà con có đầu ra ổn định. Theo anh A Lăng Lơ, đẳng sâm là cây dễ trồng, được chăm sóc, phân bón, làm cỏ, sau hơn 2 năm là cho thu hoạch. Hiện nay, với 4ha đẳng sâm, trung bình mỗi năm anh thu về khoảng 100 triệu đồng.
“Trước đây bà con chủ yếu lên rừng làm nương rẫy, trồng thêm cây lúa nhưng cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Hiện nay, người dân được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng và nhân rộng mô hình trồng cây đẳng sâm, từ đó cuộc sống dần ổn định, đời sống được nâng lên rõ rệt. ”- anh Lơ chia sẻ.
Không chỉ có đẳng sâm, dưới những cánh rừng già của huyện Tây Giang còn là “kho báu” của nhiều loại cây dược liệu quý khác như: Ba kích, sa nhân, Đinh Lăng, sa nhân, táo mèo… Trước đây, việc phát triển cây dược liệu của địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác tự nhiên mà chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh. Một số loài đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Cây dược liệu sau khi thu hoạch, sơ chế được người dân mang bán tại chợ hoặc thương lái đến tận xã thu mua nên giá trị rất thấp.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân có ý thức trồng và phát triển dược liệu nhưng lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên không thể phát triển bền vững mà còn làm giảm chất lượng môi trường tự nhiên. Hiện, Hợp tác xã Nông dược- Trường Sơn Xanh đóng tại xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã định hướng sản xuất bền vững và đẩy mạnh hỗ trợ người dân trong trồng dược liệu đi đôi với bảo vệ môi trường ở 2 xã GaRy và Ch’ Ơm.
Ông Vũ Văn Khải- Giám đốc Hợp tác xã Nông dược- Trường Sơn Xanh cho biết: mỗi năm, Hợp tác xã liên kết, thu mua trên 30 tấn đẳng sâm giúp bà con đồng bào Cơ Tu. Từ khi xác định tham gia vào thị trường dược liệu, Hợp tác xã đã xác định phải bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường. Do đó, Hợp tác xã đã hướng dẫn người dân tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, từ cải tạo đất đến việc không được sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, các chất cấm... Nhờ đó, đẳng sâm không chỉ cho chất lượng cao mà môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện.
Đến nay, Hợp tác xã đã hỗ trợ người dân chế biến các sản phẩm như cao đẳng sâm, sâm hầm gà, đẳng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đẳng sâm… đưa ra thị trường tiêu thụ. Quy trình để tạo ra sản phẩm được giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đến nay, sản phẩm này được công nhận 3 sao.
“Sắp tới HTX mở rộng thị trường và đưa ra một số sản phẩm đẳng sâm mở rộng thị trường để tạo việc làm cho bà con địa phương. Sản phẩm đạt OCOP 3 sao thì thuận lợi trong xúc tiến thương mại. Sâm hiện đang phát triển ổn định, sản phẩm của bà con mình đều thu mua không phải lo đầu ra.”- ông Khải cho biết.
Thay đổi tư duy sản xuất
Mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ của huyện Tây Giang đã giúp cho người dân có nguồn thu nhập và nâng cao đời sống, vậy nên nhiều hộ dân phấn khởi tham gia. Theo thống kê của huyện, từ việc phát triển trồng các loại dược liệu dưới tán rừng, Tây Giang đã hình thành 12 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho gần 600 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ.
Đến nay, rất nhiều Hợp tác xã đã đi theo xu hướng sản xuất bền vững, phát triển vùng trồng dược liệu đi đôi với bảo vệ môi trường như: Hợp tác xã Dược liệu Tây Giang, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ xã Ch’Ơm (xã Ch’ơm), Hợp tác xã Thiên Bình…
Ông Riah Ka, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Trước đây, người dân chủ yếu trồng tự phát, thấy hiệu quả về kinh tế nên đã mở rộng về quy mô sản xuất trồng đẳng sâm. Thời gian qua, huyện Tây Giang đã triển khai “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm” để nâng cao giá trị của sâm.
Hiện nay, có một số hộ dân đã tham gia mô hình thành Hợp tác xã cùng nhau liên kết sản xuất vươn lên thoát nghèo. Các Hợp tác xã, tổ hợp tác dược liệu đã tích cực hỗ trợ từ khâu giống, kỹ thuật chăm sóc, phân bón và tìm đầu ra cho sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị cho sâm. Việc thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây dược liệu theo đúng quy trình sản xuất nhằm đảm bảo nhu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của con người.
“Từ cách nghĩ, cách làm thay đổi đã làm cho hiệu quả chất lượng được nâng lên rõ rệt. Bây giờ nhiều hộ gia đình, nhiều Hợp tác xã có thu nhập tương đối ổn, có những Hợp tác xã thu về 500 - 600 triệu đồng, chủ yếu là trồng đẳng sâm.
Thời gian tới, chúng tôi tuyên truyền thành lập Chi tổ, hội để tiếp tục nâng cao kỹ thuật trồng trọt nông nghiệp hữu cơ cho người dân. Nguồn giống chuẩn cùng kỹ thuật canh tác tự nhiên sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho các công ty dược và góp phần bảo vệ môi trường”- ông Riah Ka cho biết.