Hàng trăm người tham gia “Ngày hội giảm nhựa” tại TP. Huế
(TN&MT) - Sự kiện nhằm nâng cao ý thức của người dân ở TP. Huế về giảm thiểu rác thải nhựa và tích cực phân loại rác tại nguồn, góp phần tuyên truyền và thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.
Ngày 14/4, tại Trung tâm Thông tin Môi trường (46 Trần Phú, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế), Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” với sự tài trợ của WWF-Nauy (thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, WWF-Việt Nam và được tiếp nhận bởi UBND TP. Huế) phối hợp với Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) và Hội Sinh viên Đại học Huế tổ chức sự kiện “Reduce Plastic Day - Ngày hội giảm nhựa”.
Sự kiện quy tụ gần 200 người tham gia, bao gồm sinh viên tại các trường đại học ở Huế, cán bộ công nhân viên chức và người dân của hai phường Vĩnh Ninh và Phước Vĩnh (TP. Huế).
Theo đó, mọi người đã chia thành nhiều đội chơi, tham gia hoạt động “Đi bộ nhặt rác” dọc 2 tuyến đường Phan Chu Trinh và Phan Đình Phùng, từ cầu Kho Rèn đến cầu Bến Ngự, kết quả thu được hơn 58 kg rác.
Ngoài ra tất cả còn trải nghiệm các hoạt động đa dạng như: Tham gia các trò chơi với chủ đề phân loại rác tại nguồn và giảm nhựa, biểu diễn các tiết mục văn nghệ về chủ đề môi trường, tham quan Trung tâm Thông tin Môi trường, tái chế rác nhựa dùng một lần thành các sản phẩm có sử dụng được và tham gia hoạt động “Đổi rác lấy quà”.
Kết thúc chương trình, ngoài việc trao tặng giải thưởng cho các đội chơi, điểm nhấn của sự kiện là tất cả mọi người cùng nhảy flashmob theo điệu nhạc “Cùng hành động vì thiên nhiên”.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, quản lý dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” chia sẻ rằng: “Chúng tôi hi vọng qua sự kiện này sẽ nâng cao nhận thức và góp phần thay đổi hành vi của người dân Huế mà tiêu biểu là các bạn trẻ về việc giảm sử dụng nhựa, bỏ rác đúng nơi quy định và tích cực phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, tinh thần “đi bộ nhặt rác” vừa kết hợp giữa rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường được chúng tôi kỳ vọng sẽ lan tỏa rộng rãi, trở thành thói quen, nếp nghĩ, nếp làm hằng ngày của mỗi người dân Huế . Với sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta có thể tạo nên sự thay đổi to lớn, giúp xây dựng TP. Huế trở thành một đô thị sáng, xanh, sạch và không rác thải”...