Xã hội

Tết Bun Huột Nặm của dân tộc Lào xã Núa Ngam (huyện Điện Biên)

Trần Hương 14/04/2024 - 13:41

(TN&MT) - Ngày 14/4/2024, tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, khai mạc Lễ hội tết té nước “Bun huột nặm” năm 2024. Đây là lễ hội thường niên đặc trưng của dân tộc Lào, để chào đón năm mới theo phật lịch, do UBND huyện Điện Biên tổ chức.

Lễ hội Tết té nước “Bun huột nặm” năm 2024 được tổ chức đã tái hiện lại yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc Lào tại Điện Biên, được tổ chức vào khoảng 13 – 15/4 hàng năm, với ý nghĩa đón chào năm mới. Năm 2017 Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Tết Té nước (Bun huột nặm) là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội “Bun huột nặm” gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ thường bắt đầu với các nghi lễ cúng bản, cúng tổ tiên. Trước khi diễn ra các hoạt động lễ hội sôi nổi, người Lào sẽ tổ chức cúng bản, cúng tổ tiên để tống tiễn mùa khô, tẩy rửa những điều xui xẻo trong năm cũ và cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, người dân trong bản được ấm no, hạnh phúc.

a1.jpg
Lễ hội Tết té nước “Bun huột nặm” của dân tộc Lào tại Điện Biên được tổ chức vào khoảng 13 – 15/4 hàng năm.

Cúng bản, cúng thần linh là một nghi lễ tâm linh sâu sắc của người Lào, thể hiện sự biết ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn. Sau khi lễ cúng kết thúc, thầy mo sẽ dùng một thứ nước thơm được chế từ cây cỏ, vảy lên người tất cả những ai có mặt ở buổi lễ để cầu may.

Những người già sẽ thực hiện nghi thức cầu may mắn, lễ “buộc chỉ cổ tay” cho mọi người. Nghi lễ này cầu cho mọi người may mắn, mạnh khỏe, bình an. Sợi chỉ buộc cổ tay còn mang ý nghĩa nối liền sự gắn kết cộng đồng từ dòng họ này đến dòng họ kia, từ dân tộc này đến dân tộc khác, thể hiện sự thương yêu bền chặt, lâu dài. Người dân quan niệm, trong phần nghi lễ này, ai được buộc nhiều chỉ ở cổ tay thì người đó càng may mắn.

a3(1).jpg
Nghi thức xin nước trong Tết té nước của dân tộc Lào.

Kết thúc nghi thức cúng tế thần linh, chủ tế sẽ dẫn tất cả mọi người ra bờ suối Nậm Núa để làm lễ cầu mưa, chủ tế sẽ cảm ơn thần sông, thần suối và cầu cho dân bản được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Tất cả các lễ vật sau đó được chia đều cho mọi người ăn lấy may.

Sau lễ cầu mưa, mọi người xuống suối té nước vào nhau để cầu chúc sức khỏe và đằm mình trong dòng suối mát nhằm làm thanh khiết bản thân. Sau khi té nước vào người, người dân sẽ mang nước về té vào nhà cửa, đồ thờ cúng, vật nuôi và công cụ sản xuất vì tin rằng nước sẽ giúp gột rửa những điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ, mạnh khỏe.

a2.jpg
Nghi thức buộc chỉ cổ tay với mong muốn cầu may, chúc cho người được buộc chỉ sẽ có một năm mới bình an, không ốm đau bệnh tật, gặp nhiều may mắn.

Cùng với đó, chủ tế dẫn đoàn người đi khắp thôn bản, ghé vào tất cả các gia đình để chúc tết, chúc may mắn, nhất là những gia đình làm ăn phát đạt, có uy tín trong cộng đồng để “xin lộc”. Tại đây, họ sẽ hát những bài đồng dao và chờ gia chủ ban lộc, ban nước. Chủ nhà sau khi hát đối đáp sẽ đưa lễ vật và té nước vào đoàn người trong không khí vô cùng náo nhiệt…

Phần hội có rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc truyền thống của dân tộc Lào, như: Rùa ấp trứng (tấu phắc sá - táu lasa), hổ vồ lợn (xưa khốp mu), rắn bắt ngóe (ngù kin khiết), múa bắt chân bắt đầu (phăn viêng), hái dưa chín (pít mắc tanh), múa lam vông… Đây là các trò chơi dân gian tái hiện quá trình định cư, lập bản của người Lào và đều bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, khát vọng vươn tới để chinh phục tự nhiên, chống thiên tai địch hoạ, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho dân.

a4(1).jpg
Bà con dân bản và du khách cùng nhau ra suối thực hiện nghi thức té nước với mong muốn gặp nhiều may mắn.

Lễ hội “Bun huột nặm” tổ chức tại huyện Điện Biên đã thu hút đông đảo du khách và người dân đến tham gia trải nghiệm, hòa mình trong không gian văn hóa mang đậm sắc màu của dân tộc Lào.

Trần Hương