Bộ TN&MT thẩm định Dự án phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ
(TN&MT) - Ngày 12/4, tại Hà Nội, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn - Đặng Thanh Mai đã chủ trì cuộc họp Thẩm định kết quả dự án “Phân tích vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ, ngập lụt” do Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) thực hiện.
Báo cáo kết quả trong quá trình thực hiện, ông Lương Hữu Dũng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thuỷ văn Hải văn - Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết, Dự án thể hiện được hiểm họa do lũ và ngập lụt gây nên thông qua thành phần khả năng xuất hiện lũ và độ lớn của lũ. Kết quả tính toán hiểm hoạ trong Dự án được thể hiện chi tiết đến cấp xã cho các lưu vực sông nghiên cứu.
Sản phẩm đầu ra của Dự án bao gồm: Các số liệu bản đồ cơ sở phục vụ tính toán trong dự án; bộ bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt tỷ lệ 1:10.000 và bộ bản đồ cảnh báo thiên tai lũ, ngập lụt, tỷ lệ 1:10.000; báo cáo tổng hợp về kết quả phân vùng rủi ro thiên tai và cảnh báo thiên tai do lũ, ngập lụt; bộ bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt cho các tỉnh, thành phố và bản đồ cảnh báo thiên tai lũ, ngập lụt thời gian thực cho các tỉnh, thành phố.
Trong đó, Dự án đã hoàn thiện đầy đủ các nội dung cho 24 lưu vực sông, hoàn thành nội dung điều tra, khảo sát trong năm 2021, 2022. Viện đã cung cấp bản đồ chi tiết 1:10.000 cho các vùng ngập để xây dựng mô hình 2 chiều đối với nội dung mô hình toán; hoàn thành các nội dung thực hiện đạt được 2 sản phẩm chính: Bản đồ phân vùng rủi ro và bản đồ tác động; Hệ thống phân tích, cảnh báo rủi ro.
Đối với Bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 sử dụng phục vụ trong đánh giá lũ là ngập, hiểm hoạ. Từng loại bản đồ dự án đã hoàn thành khối lượng 320 mảnh (số mảnh, định mức được xác định theo phân mảnh tỷ lệ 1:50.000), thực tế đối với toàn vùng là 378 mảnh.
Ngoài ra, Dự án cũng đã nhận đủ sản phẩm Mô hình toán của các Đài KTTV khu vực, Trung tâm Dự báo và Tổng cục KTTV để thực hiện tính toán hiểm họa do lũ và ngập theo số liệu cập nhật mới nhất.
Cụ thể, trong năm 2022 dự án đã cập nhật báo cáo kết quả đánh giá đặc trưng lũ cho 5 lưu vực sông (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế); báo cáo xây dựng Phần mềm phân tích, cảnh báo rủi ro thiên tai lũ và ngập; báo cáo xây dựng Cơ sở dữ liệu phục vụ bài toán cảnh báo rủi ro thiên tai lũ và ngập.
Tiếp tục thực hiện Dự án, năm 2023, Viện đã cập nhật số liệu các trạm KTTV năm 2022, xây dựng mô hình vận hành hồ cho 4 lưu vực sông: Sông Gianh, sông Trà Khúc, sông Kôn, sông Serepok, cùng với đó, triển khai xây dựng bản đồ rủi ro và bản đồ tác động của rủi ro thiên tai đến các lưu vực sông.
Từ phương pháp phân vùng rủi ro lũ và ngập thể hiện bởi các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai lũ và ngập lụt cho các lưu vực sông, ông Lương Hữu Dũng đã phân tích nguyên nhân dẫn tới rủi ro thiên tai này đối với lưu vực sông Hồng, sông lưu vực sông Hương, sông Gianh - Nhật Lệ,... Trong đó, tại lưu vực sông Hương, kết quả tính toán hiểm hoạ lũ ngập năm 2020 cho thấy một số địa phương có nguy cơ lũ và ngập rất cao như TP. Huế (19 xã, phường), Quảng Điền (7 xã), Phú Vang (9 xã), Phú Lộc (11 xã), A Lưới (9 xã).
Không riêng lưu vực sông Hương, hiểm họa lũ ngập năm 2020 trên lưu vực sông Nhật Lệ cho thấy chỉ các xã, phường thuộc TP. Đồng Hới, huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thuỷ có hiểm hoạ lũ và ngập ở mức cao và rất cao.
Do đó, Viện đã thực hiện xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai lũ và ngập lụt cho các lưu vực sông, nhằm giúp địa phương thực hiện được các phương án phòng chống thiên tai. Hệ thống bao gồm: Khối dữ liệu, khối xử lý: Cập nhật dữ liệu, tính toán thống kê, tạo bản đồ ngập,... cùng các công nghệ Google Earth engine API, Geoserver, CSS,...
Bên cạnh đó, có phương pháp cảnh báo thực bao gồm các chức năng chính: Quan trắc dữ liệu KTTV; dự báo khí tượng; dự báo dòng chảy và đánh giá vai trò của hồ chứa; phân vùng, cảnh báo rủi ro lũ ngập và theo lưu vực sông; xây dựng bản đồ ngập từ ảnh viễn thám; thu thập thông tin lũ ngập từ người dùng,...
Từ đó, ông Lương Hữu Dũng đưa ra một số kiến nghị khi thực hiện dự án, trong đó, Viện cần phối hợp với các Đài KTTV và Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia để bổ sung thêm mô hình mô phỏng ngập lũ, tính toán khu vực dễ bị tổn thương và rủi ro.
Sau khi nghe báo cáo trình bày kết quả dự án và những ý kiến đóng góp từ các thành viên Hội đồng Thẩm định, thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, bà Đặng Thanh Mai - Phó Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng Thuỷ văn đưa ra một số kết luận, về cơ bản Dự án đã đáp ứng được các nhiệm vụ, mục tiêu của đề tài, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong giải pháp thực hiện nghiên cứu.
Do đó, bà Đặng Thanh Mai đề nghị Viện Khoa học KTTV&BĐKH cần rà soát, chỉnh sửa bổ sung theo ý kiến của các thành viên Hội đồng đóng góp trong việc xây dựng lại bản đồ phân vùng lũ, hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ thẩm định bản đồ, trong đó có báo cáo tổng kết, báo cáo thiết kế, báo cáo sản phẩm.
Ngoài ra, cần rà soát và làm rõ khối lượng phạm vi, cơ sở dữ liệu về đối tượng lưu vực sông và các tỷ lệ bản đồ,... đảm bảo theo đúng Quyết định được phê duyệt.
Theo đó, Viện cũng cần làm rõ các phân tích, thuyết minh về số liệu đầu vào, việc lựa chọn các trận lũ điển hình và lựa chọn tính toán rủi ro thiên tai, các chỉ số về tính dễ bị tổn thương, tính phơi bày, năng lực ứng phó, yếu tố công trình, yếu tố dân cư,...
Đối với phần mềm hệ thống, cần rà soát, chỉnh sửa bổ sung các nội dung liên quan đến tài liệu thiết kế, chức năng, mục tiêu cũng như khả năng vận hành phần mềm. Cần xem xét rủi ro do mưa, thuỷ triều, tham khảo giải trình rõ vấn đề liên quan đến phương pháp cảnh báo thời gian thực, tham khảo các ý kiến của địa phương, nhân dân về phản hồi trong khả năng ứng dụng, mục tiêu sử dụng phần mềm.
Đồng thời, cần làm rõ các cơ sở khoa học, tiêu chí chọn số, tỷ lệ phân cấp,... Các sản phẩm cần có sự thống nhất về khung, có hồ sơ thiết kế sản phẩm được cơ quan chuyên môn nghiệm thu, thẩm định.