Trong nước

Tiếp tục triển khai có hiệu quả về Chiến lược phát triển kinh tế biển

Khương Trung 12/04/2024 16:45

(TN&MT) - Sáng 12/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chủ trì Kỳ họp lần thứ Nhất của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia.

Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối đến 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

toan-canh.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chủ trì Kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Tám BCH TW khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Khẳng định được vị thế, vai trò của kinh tế biển trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước

Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ: Đối với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, về kinh tế biển: Tỷ trọng GRDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp vào tổng GRDP toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2022 là khoảng 49 - 51%, mục tiêu theo Nghị quyết là 65-70% GDP cả nước; Về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển: Đã tổ chức thực hiện điều tra thêm được khoảng 131.000 km2 vùng biển xa bờ ở tỷ lệ 1:500.000, nâng tổng diện tích điều tra cơ bản khoảng 375.700 km2 (khoảng 38% diện tích các vùng biển Việt Nam). Đã điều tra, đánh giá chi tiết trữ lượng, chất lượng nước cho 14 đảo; Về quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo: Đến nay cả nước có 12 khu bảo tồn biển (KBTB) đã được thành lập với tổng diện tích khoảng 206.000 ha, trong đó có 185.000 ha biển. Hệ thống các KBTB tiếp tục được nghiên cứu mở rộng để đạt mục tiêu diện tích các KBTB chiếm 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

bo-truong-khanh.jpg
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Kỳ họp

Đối với việc phát triển kinh tế biển và ven biển, ngành du lịch đã có sự phát triển nhanh, khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại đang được hình thành nhanh chóng tại các địa phương ven biển. Các trung tâm du lịch biển hiện đại có tầm vóc quốc tế được hình thành; sản phẩm du lịch biển đa dạng như: du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái biển…

Ngoài ra, kinh tế hàng hải đạt được nhiều thành tựu, năng lực vận tải ngày càng được nâng cao, đáp ứng từng bước nhu cầu vận chuyển; Ngành thủy sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng cao, tạo ra giá trị sản xuất lớn, có nhiều sản phẩm đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; Việc khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo được đẩy mạnh. Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha…

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đánh giá các nội dung: phát triển khoa học - công nghệ và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ môi trường biển và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển và khu vực ven biển; thực hiện khâu đột phá về hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển…

toan-canh_truc-tuyen.jpg
Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối đến 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Phấn đấu đạt được các mục tiêu theo Chiến lược đề ra

Về nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Định hướng thực hiện đến năm 2030, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, cần chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để phấn đấu đạt được các mục tiêu theo Chiến lược đề ra, nhất là những mục tiêu, chỉ tiêu đang có xu hướng giảm và khó đạt. Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về biển, đảo; thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển; Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

ktb5-17129142295871794654330.jpg
Toàn cảnh Kỳ họp

Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, như: Triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030; Triển khai thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển ở một số địa phương có biển theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội đã ban hành; Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh; Hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, đặc biệt là Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa hệ thống đô thị biển; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối phát triển kinh tế biển giữa các vùng, địa phương; Đầu tư đồng bộ cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu…

ktb3a-17129141848031095656365.jpg
Phó Chủ tịch Uỷ ban, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Kỳ họp

Đẩy mạnh thí điểm, hoàn thiện thể chế, chính sách đột phá

Tại Kỳ họp, các chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá tình hình phát triển các ngành kinh tế biển, công tác đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế biển và nêu các khó khăn, tồn tại dẫn đến khai thác kinh tế biển ở nhiều vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Qua đó, nêu các đề xuất, kiến nghị phát triển bền vững kinh tế biển như: Hoàn thiện Nghị định về Giao khu vực biển, Quy hoạch không gian biển, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về biển và đảo, bố trí nguồn lực đủ mạnh…

Phát biểu trực tuyến tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Cường đề nghị đánh giá sâu rộng hơn nhiệm vụ về xây dựng thể chế kinh tế biển. Bởi đến nay, các nhiệm vụ này chưa thực sự đồng bộ và chưa tạo ra thuận lợi nổi trội cho kinh tế biển so với kinh tế chung.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, hiện còn khó khăn trong bảo đảm chất lượng thông tin đầu vào để triển khai các dự án kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương như ngành năng lượng, hoạt động logistics...

Đồng quan điểm, lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Trị, Thanh Hóa… kiến nghị Ủy ban Quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể việc xác định đánh giá các ngành kinh tế thuần biển, Bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo; Bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh làm cơ sở giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 36; Hoàn thiện và phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; thực hiện hiệu quả Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Đồng thời, các ý kiến đề nghị bố trí ngân sách và nguồn lực nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên môi trường biển, hải đảo tại các địa phương có biển; tăng cường năng lực khai thác hải sản, tiếp tục hỗ trợ cải hoán phát triển các đội tàu hiện đại gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước…

Nâng cao hành động của cả hệ thống chính trị để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển

pttg-ha.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở một số định hướng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển. Theo đó, tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa hệ thống đô thị biển; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối phát triển kinh tế biển giữa các vùng, địa phương; khuyến khích đầu tư phát triển, hình thành các trung tâm năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quan tâm đầu tư khu neo đậu tránh trú bão và các dự án kết cấu hạ tầng ven biển, đảo; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phát triển thủy sản phục vụ nuôi trồng, đánh bắt và chế biến, chú trọng đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại phục vụ nuôi trồng xa bờ.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia; nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; khai thác hiệu quả cảnh quan biển đảo, đa dạng loại hình dịch vụ du lịch, phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, kết nối chuỗi liên kết du lịch giữa các vùng, địa phương; tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, hình thành cơ sở dữ liệu thông tin biển quốc gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cần phải nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, Ban chỉ đạo phải quan tâm đến trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, các bộ, ngành cần hoàn thiện, triển khai quy hoạch ngành bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tăng cường tính liên kết trong việc phát triển các ngành kinh tế gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu đưa cơ chế chính sách, nguồn vốn để triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển; Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tuyên truyền, truyền thông về các chủ chương, chính sách, các nội dung của Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng biển khi hai quy hoạch này được phê duyệt; Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường nghiên cứu khoa học, công nghệ để tham mưu, đề xuất cho Ban chỉ đạo những nhiệm vụ có tính đột phá; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương thực hiện phát triển nuôi trồng thủy sản.

Các địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp nêu tại Nghị quyết Trung ương và Chính phủ; chủ động bố trí, huy động mọi nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển…

Khương Trung