Hà Nội: Kết luận về kết quả đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát gấp cả trăm lần giá khởi điểm
Ngày 11/4, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố về việc kiểm tra kết quả đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát (Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu) trên địa bàn thành phố được tổ chức ngày 5/11/2023, Sở chủ trì cùng Thanh tra thành phố kiểm tra, rà soát toàn diện quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát bảo đảm rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Ngay sau khi Phiên đấu giá kết thúc, Sở có văn bản gửi Trung tâm Thông tin điện tử thành phố đăng tải kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát trên theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 23, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Thời gian đăng tải công khai là 5 ngày. Theo quy chế đấu giá, khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, trong khoảng 10 ngày, các tổ chức, cá nhân được xác định trúng đấu giá 3 mỏ cát phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Trường hợp không hoàn thành đủ nghĩa vụ tài chính sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá, mất số tiền đặt cọc (tổng số tiền đặt cọc đấu giá 3 mỏ là 3 tỷ đồng) và cấm một năm không được tham gia các phiên đấu giá.
Cụ thể, mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có diện tích 169.300 m2, coste khai thác (độ sâu đáy mỏ khi kết thúc khai thác) +1, trữ lượng cấp là 703.536 m3. Với giá khởi điểm gần 2,9 tỷ đồng, bước giá đấu là 144 triệu đồng, sau 89 vòng đấu giá, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn trúng đấu giá với kết quả gần 400 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.
Mỏ Tây Đằng - Minh Châu (thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có diện tích 815.306 m2, coste khai thác (độ sâu đáy mỏ khi kết thúc khai thác) +4, trữ lượng cấp 4.899.000 m3. Giá khởi điểm hơn 19,2 tỷ đồng, bước giá đấu là 965 triệu đồng, sau 21 vòng đấu giá đã xác định được đơn vị trúng đấu giá là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Phúc Lộc Thịnh với kết quả trúng gần 884 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.
Mỏ Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) diện tích 157.300 m2, coste khai thác (độ sâu đáy mỏ khi kết thúc khai thác) +1, trữ lượng cấp 508.603 m3. Sau 53 vòng đấu giá, mỏ cát này đã thuộc về Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại Dịch vụ KSP với giá trúng lên gần 410 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm (hơn 2 tỷ đồng).
Như tin phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đưa, ngày 5/11/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát (đợt 1) tại huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm. Đáng chú ý, thời gian đấu giá được kéo dài từ 9 giờ ngày 5/11 xuyên đêm đến khoảng 6 giờ ngày 6/11, với tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến thu về cho ngân sách thành phố lên đến gần 1.700 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Trước kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, làm hồ sơ và tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Theo đó, kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì cùng các sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát toàn bộ Giấy phép khai thác cát đã cấp trên địa bàn hết thời hạn khai thác, báo cáo hiện trạng, cơ sở pháp lý, việc thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; nghĩa vụ tài chính về đất đai, môi trường, khoáng sản; đóng cửa mỏ theo quy định. Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất UBND thành phố đưa vào Kế hoạch khai thác khoáng sản của thành phố đối với các mỏ còn trữ lượng khai thác nhưng hết thời hạn; không gia hạn giấy phép khai thác cát, không cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND thành phố.
Các mỏ cát chưa hết thời hạn khai thác, UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật có liên quan của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; tổng hợp báo cáo và đề xuất UBND thành phố chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Công an thành phố và UBND các quận, huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm hành vi khai thác cát, khoáng sản trái phép, báo cáo thường xuyên theo quy định.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn, thời gian qua, Sở chủ trì thực hiện thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản trái phép - đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông trái phép...
Tuy nhiên, công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn Hà Nội còn nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả, tồn tại tình trạng khai thác trái phép cát chưa được xử lý dứt điểm; trong khi đó, lực lượng quản lý lại yếu, mỏng, phương tiện ít, các đối tượng cố tình vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi và thường diễn ra vào đêm tối, rất khó phát hiện, xử lý…
UBND thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện thị xã xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thuộc nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp với các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc trong quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông nhằm phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản.