Môi trường

Thừa Thiên - Huế: Quyết liệt phân loại rác tại nguồn

Văn Dinh 11/04/2024 - 10:39

(TN&MT) - Tại Thừa Thiên - Huế, nhiều hoạt động phân loại rác tại nguồn (PLRTN) đã và đang được triển khai hiệu quả trên khắp địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cho người dân, giảm thiểu rác nhựa trong cộng đồng.

Đa dạng cách làm

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” ở Thừa Thiên - Huế được phát động từ năm 2019 nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường thông qua các hoạt động dọn rác, phân loại rác, được các cấp, các ngành và toàn dân tích cực hưởng ứng.

hue-2.jpg
Chương trình “Đổi rác lấy quà” ở Huế là “chất xúc tác” khuyến khích người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Ghi nhận ở phường An Đông (TP. Huế), cứ đến sáng Chủ nhật, người dân các tổ, xóm lại hào hứng đi thu gom, phân loại rác thải và làm vệ sinh đường phố. Đây là một trong những hoạt động xây dựng môi trường khu phố “sáng, sạch, xanh”, được bà con thực hiện hằng tuần từ nhiều năm qua thông qua phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”.

Ông Trương Quang - người dân phường An Đông chia sẻ: “Ở tổ chúng tôi, có nhiều thùng phân loại rác để tích góp ve chai như vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, giấy bìa... Việc này được thực hiện thường xuyên đã góp phần giảm rác thải nói chung, rác nhựa nói riêng, ngoài ra còn gây quỹ phục vụ an sinh xã hội”.

Tại huyện Phong Điền, nhiều cơ quan ban ngành tích cực tham gia hoạt động PLRTN. Trong đó, Hội Phụ nữ huyện đã hình thành các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác tại gia đình. Hàng trăm chị em được tham gia tập huấn, hướng dẫn cách thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Để thực hiện mô hình này, tổ chức hội cấp miễn phí nhiều thùng rác cho các hộ dân để tiến hành phân loại, đồng thời phân công các tổ phát động, hướng dẫn các hộ dân đào hố rác tại nhà để xử lý đối với các loại rác thải hữu cơ dễ phân hủy. Các chi hội còn thành lập đội thu gom rác thải do hội viên phụ nữ phụ trách việc thu gom rác thải từ các hộ gia đình để chuyển đến điểm tập kết.

Còn tại Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO), chương trình “Đổi rác lấy quà” do HEPCO tổ chức từ năm 2022 đến nay đang là “chất xúc tác” khuyến khích người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đại diện của HEPCO, giá trị mà chương trình đem lại không chỉ là những món quà được trao tận tay người tham gia, những loại rác tái chế được thu gom, những nụ cười hạnh phúc vui vẻ của các bạn nhỏ, mà còn là sự háo hức chờ đợi của những người vừa biết đến mà chưa tham gia, lan tỏa ý thức PLRTN đến mọi người dân, mọi độ tuổi.

“Thay vì bán chai, bao, tôi đem rác đến HEPCO đổi lấy quà, không phải vì giá trị món quà mà tôi muốn dùng hình ảnh về hành động này để lan tỏa ý thức phân loại rác cho bạn bè mình trên facebook”, chị Nguyễn Thu Phương (phường Phước Vĩnh, TP. Huế) thổ lộ.

Nâng cao hiệu quả PLRTN

Qua thống kê, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở TP. Huế và các huyện, thị xã lân cận khoảng hơn 407 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%, chỉ đứng thứ hai sau rác hữu cơ. Riêng TP. Huế mỗi ngày phát sinh khoảng gần 200 tấn, trong đó có khoảng 5 - 6% là rác nhựa và túi ni lông. Vì vậy, PLRTN là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng trong chiến dịch giảm rác, bảo vệ môi trường. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải... Tuy nhiên, lâu nay, việc thực hiện PLRTN gặp khó khăn vì thói quen sinh hoạt của người dân, mỗi hộ dân cư có trình độ nhận thức, thời gian biểu khác nhau...

hue-1.jpg
Người dân TP. Huế phân loại rác thải tại nguồn

Chị Trần Thị Kim (phường Trường An, TP. Huế) cho biết, trước đây nhà chị chưa biết đến PLRTN, các loại rác trong nhà đều được bỏ dồn vào một bao lớn. Sau khi TP. Huế triển khai phân loại rác, gia đình được cán bộ hội, đoàn đến tư vấn nên đã hiểu, phân tách, tận dụng những loại rác nhựa, giấy loại... mang đến tập trung tại các “Ngôi nhà xanh” ở địa phương.

Tại TP. Huế, qua hơn 1 năm triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong khuôn khổ dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tài trợ, đến nay đã có 468 thùng lưu chứa 240L bố trí tại 156 điểm công cộng trên địa bàn 23 phường; 156 thùng 120L đặt tại các đơn vị trường học, các cơ quan, tổ chức nhằm tạo điều kiện để thực hiện phân loại rác. TP. Huế giao trách nhiệm cho UBND các phường, xã và các địa phương có điểm đặt bộ thùng lưu chứa rác tăng cường quản lý rác tái chế tại “Ngôi nhà xanh”, yêu cầu các địa phương tích cực tuyên truyền thực hiện PLRTN.

Ông Lê Bá Phúc - Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế cho biết, việc thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cấp thiết hiện nay. Hiện tỉnh đã thành lập Trung tâm Thông tin môi trường, tổ chức nhiều hoạt động như “Ngày hội Tái chế”, sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, cuộc thi “Anh hùng giảm nhựa” và tôn vinh người thu gom rác,... thu hút hàng ngàn người đến tham quan, trải nghiệm học tập về PLRTN.

“Người dân phân loại rác đúng cách sẽ góp phần giảm áp lực cho môi trường, tăng tỷ lệ thu hồi và tái chế, đồng thời giảm thiểu rác thải tái chế thất thoát tại nguồn và dần tiến tới giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa trên toàn địa bàn” - ông Lê Bá Phúc nói.

Văn Dinh