Chuyển đổi Xanh

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành: Chuyển đổi xanh vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội

Hoàng Phong (Lược ghi) 10/04/2024 - 20:00

(TN&MT) - “Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội mở ra cánh cửa cho sự đổi mới, tạo ra những nguồn lực mới và mở ra các thị trường mới” - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh như vậy khi ông phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4.

Đánh giá cao sáng kiến của Ban Tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng diễn đàn là một trong những cơ hội quan trọng để nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo thực hiện các cam kết, đóng góp có trách nhiệm về biến đổi khí hậu cùng cộng đồng quốc tế. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam đã xác định các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ với mục tiêu và lộ trình cụ thể để đạt phát thải ròng về “0” vào năm 2050”.

Việt Nam cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 với mục tiêu giảm phát thải do quốc gia tự thực hiện đến năm 2030 lên đến 15,8% và mục tiêu có điều kiện lên đến 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường. Đây đều là những mục tiêu rất tham vọng nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi nguồn lực về tài chính và công nghệ vô cùng lớn. Do đó, Việt Nam đã khẩn trương hành động với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đảm bảo các mục tiêu nêu đề ra sẽ được hiện thực hoá.

thu-truong-thanh(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh Hoàng Phong

Cũng theo Thứ trưởng Lê Công Thành, hiện nay, Việt Nam đã điều chỉnh và ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5% sản lượng điện sản xuất.

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính,...

Các Bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam đã và đang nghiên cứu, phát triển, khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, hydrogen xanh... Tất cả các thành phần kinh tế đã bắt đầu áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...

Bên cạnh đó, Việt Nam đã công bố “Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) vào cuối năm 2022 với Nhóm các đối tác quốc tế. Thông qua sáng kiến này cũng như các hoạt động hợp tác song phương và đa phương khác, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho các hoạt động đầu tư vào nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề, huy động tham gia của khu vực tư nhân, phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

dai-bieu-tham-du(1).jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, để thực hiện hiệu quả NDC hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao các doanh nghiệp chủ động công bố và cam kết thực hiện lộ trình thực hiện hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” với các kế hoạch cụ thể về chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi xanh trong quy trình sản xuất, thương mại nhằm giảm phát thải khí, rác thải nhựa....

“Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội mở ra cánh cửa cho sự đổi mới, tạo ra những nguồn lực mới và mở ra các thị trường mới. Bằng cách hướng tới một nền kinh tế xanh, chúng ta không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường, mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế và xã hội trong tương lai. Chỉ thông qua sự hợp tác và nỗ lực chung từ tất cả các bên, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai xanh và bền vững cho các thế hệ mai sau...” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

ky-ket(1).jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành cùng các đại biểu chứng kiến Ký Kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) với Tạp chí Kinh tế Việt Nam

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, chiều 10/4, tại TP Hải Phòng, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 lần thứ 4. Theo đó, chủ đề của Diễn đàn là: “Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp”.

Mục tiêu trọng tâm của Diễn đàn nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và các cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Diễn đàn được xác định và củng cố trở thành kênh thông tin uy tín, tin cậy, hội tụ sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, địa phương, đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, cùng trao đổi, cập nhật và phản hồi thông tin về các vấn đề kinh tế có xu hướng quốc tế, chiến lược và chính sách của Việt Nam.

Hoàng Phong (Lược ghi)