Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về giảm phát thải, thị trường các-bon
(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong đó, nhiều quy định nhằm tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải, chuẩn bị cho thị trường các-bon.
Căn cứ tình hình thực tiễn, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022NĐ-CP là cần thiết để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon và bảo vệ tầng ô-dôn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
3 lĩnh vực đầu tiên tham gia phân bổ hạn ngạch phát thải
Về tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, dự thảo Nghị định đề xuất kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cần được thẩm định bởi đơn vị thẩm định độc lập, thay vì cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh như quy định hiện hành. Nghị định cũng bổ sung quy định về tăng cường hấp thụ khí nhà kính từ rừng, sửa đổi quy định về thẩm định kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở và kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, dự thảo Nghị định bổ sung lộ trình phân bổ hạn ngạch. Trong giai đoạn đầu sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. Dự kiến có khoảng 200 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu, chiếm khoảng 45% tổng phát thải của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi theo hướng giao trách nhiệm cho các Bộ quản lý lĩnh vực tổng hợp, đề xuất danh mục cơ sở và lượng hạn ngạch được phân bổ hằng năm cho từng cơ sở gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, lượng hạn ngạch dự trữ. Căn cứ tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở.
Làm rõ về thị trường các-bon
Đối với các quy định về tổ chức thị trường các-bon, quản lý tín chỉ các-bon trong nước, dự thảo Nghị định đưa ra chi tiết đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước. Trong đó, đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính là cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đối tượng tham gia trao đổi tín chỉ các-bon gồm: các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; các tổ chức có chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định các Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm công nhận phương pháp luận, phê duyệt ý tưởng dự án, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ các-bon phù hợp với trách nhiệm tổ chức thực hiện đo đạc – báo cáo – kiểm định (MRV) cấp lĩnh vực, cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý lĩnh vực. Bổ sung quy định về Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon (registry system) - là công cụ quản lý hạn ngạch và tín chỉ các-bon do cơ quan đầu mối về môi trường/kiểm kê khí nhà kính quản lý.
Cùng với bổ sung quy định về thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon song phương theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về sàn giao dịch các-bon và quy định chi tiết về các hoạt động trên sàn giao dịch các-bon, bao gồm: mua, bán, đấu giá hạn ngạch, và mua, bán tín chỉ các-bon thực hiện trên sàn giao dịch các-bon; chuyển giao, vay mượn, nộp trả, bù trừ hạn ngạch thực hiện trên Hệ thống đăng ký quốc gia.
Tăng cường thực hiện mục tiêu bảo vệ tầng ô-dôn
Đối với các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn, dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng “xuất khẩu” các chất được kiểm soát nhằm quản lý lượng tiêu thụ các chất được đầy đủ hơn. Quy định thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát chưa quản lý các chất được kiểm soát sau tái chế, do đó, đề xuất bổ sung 1 khoản vào Điều 28 về yêu cầu chất được kiểm soát sau tái chế được bán, lưu hành trên thị trường.
Về trách nhiệm trong quản lý các chất được kiểm soát, tại Điều 27, để thống nhất, đồng bộ trong xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch quốc gia, đề xuất bổ sung vào khoản 3 Điều 27 “tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát”.
Để thực hiện hiệu quả việc quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo cam kết thực hiện điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn, ngoài quy định về lộ trình quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát thì cần có những biện pháp để giảm thiểu sử dụng các sản phẩm, hàng hóa có chứa hoặc được sản xuất từ các chất được kiểm soát có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao. Do đó, đề xuất bổ sung quy định này vào điểm b khoản 1 Điều 29.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị COP28, Việt Nam đã tham gia Cam kết làm mát toàn cầu. Để triển khai thực hiện các nội dung của Cam kết, dự thảo Nghị định bổ sung quy định nhằm khuyến khích các hoạt động có liên quan đến làm mát bền vững, đẩy mạnh hoạt động tái chế các chất được kiểm soát cần có các cơ chế khuyến khích triển khai thực hiện các hoạt động này.