Xã hội

Phụng Hiệp (Hậu Giang): Chủ động ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn cho người dân

Lê Hùng (thực hiện) 10/04/2024 - 15:16

(TN&MT)- Trong những năm gần đây, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thường xuyên chịu ảnh hưởng từ các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) như dông lốc, sạt lở đất,… gây nhiều thiệt hại về đất đai, nhà cửa, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Để hiểu hơn về vấn đề này, Phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

a1-ph.jpg
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang

PV: Các yếu tố cực đoan của BĐKH đã xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn huyện Phụng Hiệp như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Như Lê:

Trong khoảng vài năm trờ lại đây, do ảnh hưởng của BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và ngày càng gay gắt trên địa bàn huyện thể nhiện qua việc thời tiết nắng, mưa thất thường không còn theo quy luật; các đợt mưa kèm theo dông lốc bất ngờ xảy ra. Không chỉ thế, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch đang có chiều hướng gia tăng vào mùa khô gây thiệt hại không nhỏ đến cơ sở hạ tầng cũng như đất đai, nhà cửa, cây trồng của người dân trên địa bàn huyện.

Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, các đợt dông lốc, sạt lở đất đã gây ảnh hưởng đến 43 căn nhà của người dân, trong đó có 11 căn bị sập hoàn toàn; đồng thời các vụ sạt lở còn làm mất vĩnh viễn gần 250m2 đất của người dân, hàng chục km đường lộ giao thông nông thôn bị sụp, nứt, ước tổng thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Không chỉ thế, mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc còn gây ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng của hơn 4.100 ha lúa, cây ăn trái, rau màu,…

Bên cạnh đó, những năm gần đây hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã xảy ra trên địa bàn huyện. Nước mặn cũng đã xâm nhập vào một số tuyến sông, kênh rạch mặc dù nồng độ mặn không cao như các địa phương giáp ranh như TX. Long Mỹ, huyện Long Mỹ nhưng ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến việc lấy nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.

a2-ph.jpg
Ngoài các công trình, dự án do Nhà nước đầu tư, trong thời gian qua người dân huyện Phụng Hiệp cũng đã xây dựng hàng chục km kè bê tông để phòng ngừa sạt lở bờ kênh, rạch

PV: Thưa ông, trước diễn biến của thiên tai ngày càng phứ tạp, khó lường, huyện đã triển khai công tác phòng chống thiên tai, hỗ trợ các hộ dân bị thiệt như thế nào?

Ông Lê Như Lê:

Trước những thiệt hại do thiên tai gây ra, trong thời gian qua huyện Phụng Hiệp đã nhanh chóng hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả bằng việc hỗ trợ tiền để xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa; mua cây con giống tái đầu tư sản xuất; di dời một số hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản; đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần đảm bảo thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, thông qua các nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai từ Trung ương, tỉnh Hậu Giang và ngân sách huyện, huyện Phụng Hiệp đã đầu tư xây dựng tổng cộng 28 trạm bơm điện đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân; cải tạo, sửa chữa hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt hiện có trên địa bàn huyện gồm 127 cống hở, 414 cống tròn; đồng thời huyện còn lồng ghép vào chiến dịch giao thông nông thôn thuỷ lợi và bảo vệ môi trường nông thôn hàng năm để nạo vét các tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài hàng trăm km để trữ ngọt phục vụ sản xuất phòng ngừa hạn hán, xâm nhập mặn.

Song song với đó, hàng năm UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự đầu tư kè bê tông, kè sinh thái bằng vật liệu hiện có góp phần hạn chế tình trạng sạt lở; đồng thời đầu tư xây dựng mới hai tuyến bờ kè bê tông kiên cố dọc kênh Cây Dương và kênh Nàng Mau với tổng kinh phí khoảng 250 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở nguy hiểm.

a3-ph.jpg
Nhiều người dân huyện Phụng Hiệp đã chuyển đồi các mô hình sản xuất để thích ứng với điều kiện thời tiết, nguồn nước, đồng thời đảm bảo thu nhập cho gia đình

PV: Để ứng phó hiệu quả với sạt lở, giông lốc, xâm nhập mặn bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, trong thời gian tới huyện Phụng Hiệp sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa ông?

Ông Lê Như Lê:

Để ứng phó với tình hình BĐKH, đặc biệt là xâm nhập mặn, sạt lở, dông lốc, trong thời gian tới huyện Phụng Hiệp tiếp tục chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai và thực hiện theo các nội dung văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Hậu Giang về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức tuyên truyền, diễn tập về công tác phòng, chống thiên tai cho người dân; phổ biến kinh nghiệm phòng, tránh thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng; tiếp tục củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, cảnh báo, dự báo đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống.

Huyện Phụng Hiệp cũng sẽ cập nhật phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để chủ động phòng, chống, trong đó có tính toán chi tiết đến việc huy động lực lượng, phương tiện để di dời người dân đến nơi trú ẩn an toàn khi xảy ra thiên tai; nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra theo phương châm bốn tại chỗ; vận động người dân trồng cừ, tràm ven các tuyến sông, kênh rạch và dùng tre, dừa…gia cố các đoạn kênh, rạch có nguy cơ bị sạt lở.

Trước tình hình BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục triển khai các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước; xây dựng các vùng chuyên canh lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao góp phần nâng cao thu nhập hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Hiện nay trên tuyến kênh Nàng Mau thuộc ấp Thạnh Lợi A2, xã Tân Long và ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp đang xuất hiện một số đoạn sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 1,4km. trước tình trạng này, UBND huyện Phụng Hiệp mong muốn trong thời gian tới các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Hậu Giang xem xét hỗ trợ đầu tư tuyến kè bê tông kiên cố tại những khu vực nêu trên nhằm góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hùng (thực hiện)