Tin tức

Sẽ xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm kênh Bắc Hưng Hải

Phạm Thiệu 09/04/2024 - 17:33

(TN&MT) – Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri liên quan tới kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành văn bản số 1876/BTNMT-PC ngày 26/3/2024 trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hưng Yên liên quan tới tình hình, kế hoạch xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Theo đó, ngày 10/10/2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 2625/QĐ-BTNMT về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (gọi tắt là Kế hoạch).

Hiện nay kế hoạch đang được tích cực triển khai trên cơ sở phân công rõ ràng, cụ thể các nội dung cần thực hiện của từng đơn vị có liên quan thuộc Bộ, cơ quan quản lý môi trường ở địa phương và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Ngày 27/6/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Công văn số 5008/BTNMT-KSONMT gửi UBND các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đề nghị tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

anh-o-nhiem.jpg
Tình trạng ô nhiễm kênh Bắc Hưng Hải sẽ sớm có giải pháp xử lý dứt điểm

Ngày 25/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ngày 09/8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 315/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch, trong đó tập trung bố trí nguồn lực khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020; đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp tổng thể cải tạo, phục hồi hệ thống Bắc Hưng Hải.

Năm 2023, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức kiểm tra 23 cơ sở có hoạt động xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải gồm 5 cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội, 06 cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương, 5 cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và 7 cơ sở trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Kết quả kiểm tra đã thực hiện xử phạt 7 cơ sở có hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường với tổng số tiền là 975.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông, trong đó có hệ thống Bắc Hưng Hải để tổ chức thực hiện.

anh-o-nhiem-2.jpg
Nhiều năm qua, hệ thống thủy lợi này bị ô nhiễm trầm trọng làm ảnh hưởng tới sinh kế của người dân

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc các tỉnh/thành phố nêu trên tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải; thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ngày 20/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khảo sát thực địa trực tiếp và tổ chức cuộc làm việc với các bộ, ngành Trung ương và địa phương về công tác bảo vệ môi trường Hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, triển khai việc xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải.

Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 11.000 ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước phục vụ hoạt động nông nghiệp và sinh hoạt của hàng triệu người dân ở 4 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Nhiều năm trở lại đây, do phải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải chưa qua xử lý, dòng sông này đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, hủy hoại môi trường dòng sông và đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Phạm Thiệu