Bạn đọc - Pháp luật

Đà Nẵng: Vi phạm có hệ thống, doanh nghiệp vẫn tiếp tục xin cấp mới giấy phép mỏ đất Kỳ 2: Xin cấp mỏ mới - hợp thức hóa phần sai cũ?

Lan Anh - Đông Duy 09/04/2024 - 14:07

Sau khi phá núi lấy đất, hết hạn khai thác từ cuối năm 2017 và được phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ nhưng Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác Khoáng sản Hòa Vang vẫn không phục hồi môi trường như cam kết. Không chỉ vậy, những khu vực nham nhở mà doanh nghiệp đã khai thác vượt phép cũng không được doanh nghiệp này hoàn thổ. Điều đáng nói, hiện doanh nghiệp này đang trong quá trình lập thủ tục, hồ sơ xin cấp phép mỏ đất mới…

“Nhờn” xử phạt, tiếp tục xin mỏ mới

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác khoáng sản Hòa Vang đã lập tờ trình xin tiếp tục khai thác với diện tích 2,2 ha (trong phần diện tích đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng tại Quyết định số 1811/QĐ-UBND ngày 25/3/2014).

anh-1(1).jpg
Đã hết thời hạn thực hiện Đề án đóng cửa mỏ nhưng Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác Khoáng sản Hòa Vang vẫn chưa hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường

Thông báo số 588/TB-VP ngày 28/11/2022 của Văn phòng UBND thành phố thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam tại cuộc họp xử lý các nội dung liên quan về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, UBND thành phố về nguyên tắc thống nhất theo nội dung đề xuất của Sở TN&MT tại Báo cáo số 823/BC-STNMT ngày 05/10/2022 về việc cho phép lập thủ tục, hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản đất san lấp trên diện tích 2,2 ha tại thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang để cung cấp đất san lấp cho các công trình Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư.

Thực tế, đối với khu vực đề xuất khai thác mới của Công ty Khoáng sản Hòa Vang quy mô 2,2 ha, có phần diện tích lớn là hậu quả của việc khai thác vượt phạm vi trước đây nhưng chưa được khắc phục. Cụ thể, theo ranh giới khu vực đề xuất khai thác, vị trí từ điểm góc 1 đến điểm góc 5, từ điểm góc 5 đến điểm góc 4 và từ điểm góc 1 mở rộng theo hướng Nam là những khu vực đã bị doanh nghiệp khai thác vượt phép. Đây chủ yếu là dạng địa hình không đồng nhất, bao quanh 2 hướng Đông và Tây là những vách moong khai thác lồi lõm, nhiều nơi dựng đứng tiềm ẩn nguy cơ sói lở vào mùa mưa, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan môi trường, hệ sinh thái của khu vực. Và đấy cũng chính là hiện trạng của đồi đất thôn Phú Hạ phải gánh chịu sau những đợt khai thác của doanh nghiệp vào nhiều năm trước.

Như vậy, nếu Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác khoáng sản Hòa Vang hoàn tất các thủ tục pháp lý và được cấp phép khai thác mỏ mới thì phải chăng sẽ đồng thời hợp thức hóa được những khuyết điểm trước đó?

anh-2.jpg
Khai thác không đúng phương án thi công được duyệt có phải là một trong những nguyên nhân làm cho vấn đề cải tạo, phục hồi môi trường không thể hoàn thành?

Về vấn đề khắc phục hiện trạng đối với diện tích đã khai thác vượt trước đó, bà Bùi Thị Tín, đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác khoáng sản Hòa Vang cho biết, đối với mỏ đất có diện tích 6,94 ha đơn vị này trước đó đã sang nhượng cho một doanh nghiệp khác khai thác, đến năm 2018 doanh nghiệp này mới tiếp nhận lại quyền khai thác mỏ. Cách đây 1-2 tuần, Công ty Khoáng sản Hòa Vang đã có đơn đề nghị Sở TN&MT, UBND huyện Hòa Vang cho phép đưa xe múc vào san gạt, khắc phục phần diện tích khai thác ra ngoài ranh giới nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có phản hồi.

Rõ ràng, cách giải thích của doanh nghiệp này cũng chỉ cho thấy sự thiếu trách nhiệm của mình. Bởi lẽ nếu doanh nghiệp thực sự tuân thủ thực hiện theo Quyết định xử phạt thì đã khắc phục từ lâu chứ không phải đợi đến khi tiếp tục xin mỏ mới thì mới lo đi xử lý hậu quả phần sai phạm cũ!

Cần sự giám sát chặt chẽ từ chính quyền

Được biết, đối với khu vực mỏ hoạt động Quyết định số 9465/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của UBND TP. Đà Nẵng đã kết thúc khai thác từ ngày 21/12/2017 (quy mô 6,94 ha), Đề án đóng cửa mỏ đã được phê duyệt với thời hạn thực hiện đến ngày 28/8/2022).

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Nguyễn Hồng An cho biết, trong năm 2023, Đoàn Kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đã được UBND thành phố phê duyệt tiến hành kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường tại mỏ đất đồi thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang do Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác khoáng sản Hòa Vang thực hiện. Kết quả kiểm tra cho thấy đối với khu vực mỏ đang tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường, hiện nay cây đã phát triển tốt từ 3 - 5m chiếm 80% diện tích của mỏ, phần diện tích còn lại mật độ cây còn thưa thớt, chưa phát triển và một số nơi cây đã chết nằm về hướng Tây Bắc khu vực mỏ.

anh-3(1).jpg
Ranh giới mỏ đất đề xuất mới bao gồm cả những khu vực đã khai thác vượt trước đó nhưng chưa được cải tạo, phục hồi môi trường

Còn với khu vực mỏ hoạt động theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1397/GP-UBND ngày 1/4/2019 của UBND thành phố (quy mô 4 ha), có thời hạn khai thác đến 12/2020 thì vẫn chưa được phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ. Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác khoáng sản Hòa Vang đã thực hiện lập và nộp Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản cho Sở TN&MT thẩm định. Tuy nhiên, hiện nay Đề án đóng cửa mỏ do Công ty lập chưa được phê duyệt là do các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố đang thực hiện rà soát, xác định độ cao hoàn thổ khu vực các mỏ đã kết thúc khai thác nhằm tạo ra mặt bằng để phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của UBND thành phố.

Về hiện trạng thực hiện Đề án đóng cửa mỏ đã được UBND thành phố phê duyệt, ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết huyện đã có kiến nghị với Đoàn Thanh tra và Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT, yêu cầu Công ty khẩn trương trồng bổ sung cây vào các vị trí còn thưa thớt trong khu vực mỏ và có biện pháp chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt đạt yêu cầu nghiệm thu kết quả thực hiện. Nếu đơn vị không thực hiện trồng bổ sung và chăm sóc cây đối với phần mật độ thưa thớt còn lại, UBND huyện sẽ kiến nghị Sở TN&MT có biện pháp xử lý nghiêm với trường hợp này.

Như vậy, tuy Đề án đóng cửa mỏ (quy mô 6,94 ha) đã được phê duyệt với thời hạn thực hiện đến tháng 8/2022, nhưng với hiện trạng mỏ, có thể thấy rằng Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác khoáng sản Hòa Vang vẫn chưa nghiêm túc thực hiện. Trong khi đó, doanh nghiệp này đang tiếp tục lập hồ sơ, thủ tục để xin cấp phép mỏ mới. Gần đây nhất, ngày 17/11/2023, Sở TN&MT đã đăng tải Tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp tại thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

Trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường được trình xem xét, Công ty Khoáng sản Hòa Vang cho biết dự kiến sẽ thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường với phần diện tích mỏ đang xin cấp phép bằng cách san gạt đất và trồng cây xanh tại khu vực moong khai thác; gia cố vách moong với góc nghiêng sườn tầng 600 theo đúng thiết kế để đảm bảo an toàn, không gây sạt lở…

anh-4.jpg
UBND huyện Hòa Vang kiến nghị doanh nghiệp hoàn thành đề án đóng cửa mỏ trước khi xem xét cấp giấy phép khai thác mới

Có lẽ những thuyết minh này cũng đã được doanh nghiệp đưa vào Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của các mỏ trước đây. Thế nhưng, nhìn từ hiện trạng mỏ đất hiện nay, sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp khi thực hiện Đề án đóng cửa mỏ cải tạo, phục hồi môi trường, cùng với những vi phạm có tính hệ thống cho thấy thực tế khác hoàn toàn với những điều trên giấy!

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Tấn Khoa nêu quan điểm, đối với trường hợp Công ty TNHH Đầu tư và Khai thác khoáng sản Hòa Vang hiện nay chưa thực hiện xong công tác hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường. Trong trường hợp có ý kiến liên quan đến vấn đề cấp phép mới, UBND huyện sẽ kiến nghị UBND thành phố, Sở TN&MT yêu cầu đơn vị thực hiện đầy đủ công tác hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường tại các khu vực đã được cấp giấy phép trước đây, tiến hành nghiệm thu hoàn thành công tác cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao đất cho địa phương quản lý trước khi có ý kiến liên quan đến đề nghị cấp phép khai thác mới.

Lan Anh - Đông Duy