Giữ dòng sông Mã mãi xanh
(TN&MT) - Có chiều dài gần 90km, dòng sông Mã chảy qua địa phận 12 xã, thị trấn của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/HU về Đề án bảo vệ môi trường dòng sông Mã giai đoạn 2020 - 2025, với nhiều nhóm giải pháp thiết thực, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường dòng sông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân sông Mã.
Hành động từ những việc nhỏ nhất
Để triển khai thắng lợi Nghị quyết 06-NQ/HU, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã lãnh đạo UBND huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, nội dung trọng tâm của Nghị quyết 06 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sinh sống dọc 2 bên bờ sông, suối không xả trực tiếp chất thải sinh hoạt, chăn nuôi xuống dòng sông, suối; hạn chế sử dụng túi ni lông và chất thải nhựa. Với cán bộ, hội viên phụ nữ, tiên phong trong tổ chức thực hiện, thể hiện ngay từ hành động nhỏ nhất tại gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, hình thành ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường.
Tại xã Mường Sai, cứ chiều thứ 6 hàng tuần, sau giờ làm, cán bộ, công chức, viên chức các công sở, trường học đều tập trung dọn vệ sinh khu vực cơ quan và quanh đơn vị. Các hội, đoàn thể phát động dọn vệ sinh vào chiều thứ 7 hàng tuần. Nhân dân tại các khu dân cư đồng loạt dọn vệ sinh vào ngày Chủ nhật.
Chị Lò Thị Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Sai cho biết: Xã đã thành lập các tổ công tác về các bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đăng ký thực hiện tiêu chí môi trường. Rà soát, đề xuất xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt; vận động nhân dân làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xa nhà ở. Các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện và duy trì các tuyến đường tự quản, tuyến đường hoa...
Theo lãnh đạo UBND huyện, từ năm 2021 đến nay, Sông Mã đã tổ chức 32 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho trên 5.000 lượt lãnh đạo, cán bộ, công chức, hội viên các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
Thường xuyên phát động các xã, thị trấn ra quân vệ sinh môi trường trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội bản, tổ dân phố; thu gom, vận chuyển các loại vật liệu lấn chiếm lề đường. Phát động trồng cây xanh xung quanh trụ sở cơ quan và các trục đường chính, đường nội bản.
Trong năm 2023, đã tổ chức vệ sinh các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội bản được 1.662km; khơi thông hơn 694km cống rãnh; trồng 16.226m đường hoa, trên 14.500 cây phân tán; lắp đặt 1.165 bóng năng lượng mặt trời. Đồng thời, vận động nhân dân đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, đã di chuyển 1.689 chuồng trại chăn nuôi; 447 hộ làm nhà tiêu cách xa nhà.
Gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường với trách nhiệm người đứng đầu
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thào A Sử cho biết: Những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân, ý thức, tinh thần, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên và nhân dân toàn huyện với công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước dòng sông Mã đã có những chuyển biến tích cực.
Nội dung bảo vệ môi trường, bảo vệ hành lang các dòng sông đã được đưa vào quy ước, hương ước của bản, tổ dân phố trên địa bàn các xã, thị trấn. Huyện Sông Mã cũng chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản, thủy sản. Kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm.
Hàng năm, duy trì thực hiện quan trắc môi trường nước mặt trên các khu vực sông, nhằm theo dõi, đánh giá chất lượng nguồn nước, xác định các yếu tố tác động lên nguồn nước để có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Năm 2023, huyện đã triển khai 2 đợt quan trắc tại 10 vị trí; đa số các chỉ tiêu đều trong giới hạn cho phép, không có dấu hiệu ô nhiễm lòng sông.
Đặc biệt, nếu như trước năm 2019, Sông Mã từng là huyện có tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải nông thôn rất thấp với 11%, thì đến nay, 80% chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn đã được thu gom; 100% chất thải sinh hoạt đô thị, 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý. Các chủ chăn nuôi nông hộ đã chủ động thu gom, xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi đúng quy định, không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Tuy nhiên, việc thu gom rác thải sinh hoạt tại một số khu dân cư tập trung và các nhánh suối chính chảy vào sông Mã còn chưa triệt để. Tại vị trí cầu qua sông, suối trên địa bàn một số xã như Chiềng Cang, Mường Lầm, Nà Nghịu, vẫn còn tình trạng người dân xả rác thải sinh hoạt xuống gầm cầu. Các khu xử lý rác thải sinh hoạt chưa được đầu tư xây dựng, gây khó khăn trong công tác thu gom, xử lý rác thải.
Năm 2024, nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường dòng sông Mã nói riêng, huyện Sông Mã đã và đang tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể theo tinh thần Nghị quyết 06. Tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi đổ rác thải, phế liệu bừa bãi, lấn chiếm lòng sông, suối.
Gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường với trách nhiệm người đứng đầu, nếu trên địa bàn xã, thị trấn để xảy ra ô nhiễm môi trường do nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tập thể lãnh đạo, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện và trước pháp luật.