Bộ Tài nguyên và Môi trường - Hội người Cao tuổi Việt Nam: Phối hợp vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước
(TN&NT) - Chiều 8/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Sơ kết 02 năm thực hiện Chương trình phối hợp triển khai nhiệm vụ trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2022-2026 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Hội người Cao tuổi Việt Nam.
Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Về phía Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam có nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình; các Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam: Trương Xuân Cừ, Phan Văn Hùng, cùng các lãnh đạo thuộc Hội.
Thúc đẩy sự nghiệp bảo vệ tài nguyên và môi trường
Thay mặt hai cơ quan, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phan Văn Hùng đã báo cáo công tác phối hợp trong thời gian qua. Báo cáo sơ kết nêu rõ, trong 02 năm qua, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tích cực triển khai các nội dung của Chương trình phối hợp công tác, tổ chức được 50 lớp tập huấn, hội thảo cho khoảng 7.000 cán bộ, hội viên các cấp, mang lại hiệu quả thiết thực; phát huy được các lợi thế của hai cơ quan, góp phần thúc đẩy sự nghiệp bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Chương trình đã nâng cao nhận thức, phát huy được kinh nghiệm, vai trò của người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường. Quá trình triển khai đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương tiêu biểu, hàng trăm mô hình tốt, phù hợp với người cao tuổi. Trên 4 triệu người cao tuổi được hưởng lợi ở mức độ khác nhau từ kết quả bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Công tác phối hợp hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng chặt chẽ. Hoạt động bảo vệ môi trường của Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng đa dạng, hiệu quả.
Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, trong đó có một số cấp Hội chưa chủ động triển khai nhiệm vụ, còn biểu hiện trông chờ vào cơ quan chuyên môn; chưa nhận thức đầy đủ và chưa làm tốt công tác phối hợp ở địa phương; Một số Sở Tài nguyên và Môi trường chưa chủ động triển khai, chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của người cao tuổi trong công tác bảo vệ môi trường; Nguồn lực cấp cho Hội còn hạn chế nên việc triển khai, hiệu quả chưa cao; chưa chú trọng xây dựng mô hình để nhân ra diện rộng.
Từ những kết quả bước đầu và chỉ ra những tồn tại, hạn chế, báo cáo cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó, cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; các Sở Tài nguyên và Môi trường và các cấp Hội địa phương trong giáo dục, tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; thực hiện chương trình, có kế hoạch cụ thể trong từng thời kỳ.
Phối hợp vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, Chương trình đã phối hợp phát động được nhiều phong trào kêu gọi người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của Người cao tuổi được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã góp phần tích cực thay đổi trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường tại cộng đồng.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình đề nghị phát huy những thành công bước đầu cần tiếp tục tăng cường các chương trình phối hợp, truyền thông nhiều hơn nữa, sâu sát hơn nữa để tìm ra các mô hình hay, tạo sự lan toả thu hút nhiều người tham gia, góp phần thay đổi nhận thức và từng bước hình thành thói quen bảo vệ môi trường trong mỗi người dân.
Thống nhất với ý kiến của Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên; diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trên cả nước vào công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường mà sự tham gia của Hội Người cao tuổi Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng.
Nhìn từ báo cáo sơ kết, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Hội Người cao tuổi Việt Nam qua các giai đoạn đã huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động phối hợp được chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam thông qua Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026, theo đó, sẽ mở rộng phạm vi phối hợp trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Hội Người cao tuổi Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu. Để làm được ba nhóm nhiệm vụ chính đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị tiếp tục tăng cường việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng mới và nhân rộng các mô hình điểm thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giữ gìn vệ sinh môi trường ở cộng đồng, dân cư…
Để đạt được mục tiêu to lớn của Chương trình, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nguyễn Thanh Bình đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, nội dung công tác hằng năm và giai đoạn có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu quản lý; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; phù hợp với khả năng đầu tư nguồn lực để bảo đảm Chương trình phối hợp đạt hiệu quả cao nhất, vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Tăng cường triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024 - 2026
Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, vận động hội viên Hội Người cao tuổi Việt Nam và gia đình gương mẫu chấp hành đúng chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề về tài nguyên và môi trường, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Người cao tuổi các cấp.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu cho các cấp Hội Người cao tuổi.
Đẩy mạnh phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng" tham gia quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổ chức điều tra, giám sát, phản biện thực hiện luật pháp, chính sách về tài nguyên và môi trường.
Hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện để Hội Người cao tuổi Việt Nam tham gia các dự án bảo vệ môi trường.
Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, 05 năm, biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam và các cơ quan địa phương liên quan xây dựng Đề án khởi nghiệp, tạo việc làm tham gia chuyển đổi sổ, chuyển đổi xanh; bổ sung nội dung người cao tuổi tham gia chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” trình cấp có thẩm quyền quyết định để triển khai thực hiện.