Xã hội

Hương Trà (Thừa Thiên – Huế): Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Văn Dinh 08/04/2024 - 10:55

(TN&MT) - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tại thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã không ngừng huy động nhiều nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, qua đó cải thiện sinh kế, góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn. Để rõ hơn về vấn đề này, Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Tuấn – Bí thư Thị ủy Hương Trà.

huongtra-1.jpg
Ông Hà Văn Tuấn

PV: Xin ông cho biết, tình hình thực hiện giảm nghèo ở địa phương hiện nay?

Ông Hà Văn Tuấn: Trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của Thị ủy và UBND thị xã; cả hệ thống chính trị trên toàn địa bàn thị xã đã vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục, thống nhất trong việc lãnh chỉ đạo và thực hiện công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 1,5 % (giảm 124 hộ so với năm trước), còn 277 hộ nghèo với 564 khẩu.

Nhiều chính sách, dự án giảm nghèo được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, các dịch vụ xã hội cơ bản đã đến với người nghèo, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn. Tất cả các xã, phường đều xây dựng phương án thoát nghèo cụ thể, chủ động trong việc vận động nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nhanh chóng hộ nghèo trên địa bàn thị xã.

huongtra-2.jpg
Bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo ở Hương Trà

PV: Vậy ông có thể chia sẻ những cách làm trong công tác giảm nghèo?

Ông Hà Văn Tuấn: Các xã, phường đã xác định nguyên nhân nghèo và nhu cầu hỗ trợ về việc làm, đào tạo nghề, sửa chữa, xây dựng nhà ở, các dịch vụ xã hội cơ bản của từng hộ nghèo. Nhu cầu chủ yếu của các hộ nghèo là được hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà ở, mô hình sinh kế, vay vốn, hỗ trợ đất sản xuất. Chính quyền thị xã đã thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm qua, thị xã đã hỗ trợ và vận động kinh phí xây dựng mới 16 nhà ở, sửa chữa 44 nhà với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi... đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định cuộc sống để thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, nhiều chính sách giảm nghèo được triển khai thường xuyên như: hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh, thông tin, hỗ trợ tín dụng. Cùng với đó, thị xã đã tổ chức sàn giao dịch việc làm nhằm tạo cơ hội cho người lao động trên địa bàn tiếp cận với các thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm, tư vấn học nghề, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực, uy tín đến tư vấn, tuyển chọn lao động tại địa phương.

Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, chi phí làm các thủ tục cho người lao động là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong năm 2023 đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho gần 1.000 lao động.

huongtra-3.jpg
Tư vấn tuyển dụng việc làm tại Hương Trà

Trong năm vừa qua, một số địa phương nổi bật trong công tác giảm nghèo có thể kể đến như: phường Tứ Hạ xây dựng phương án hỗ trợ gà con, thức ăn, xây dựng chuồng trại cho 5 hộ nghèo để chăn nuôi tăng thu nhập, huy động nguồn kinh phí hỗ trợ 30 % mua bảo hiểm y tế cho 12 hộ mới thoát nghèo năm 2022; xã Hương Toàn đã hỗ trợ nuôi gà lai đá cho 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền 110 triệu đồng, thực hiện chương trình văn nghệ, bán vé số lấy kinh phí hỗ trợ hộ nghèo

PV: Thưa ông, khó khăn cơ bản trong công tác giảm nghèo hiện nay là gì?

Ông Hà Văn Tuấn: Có thể nói, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã đã giảm nhanh, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện già cả, neo đơn, ốm đau, bệnh tật chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo của thị xã nên việc triển khai các chương trình, dự án còn gặp khó khăn, một số mô hình hiệu quả chưa cao. Mặt khác, số lượng hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn thị xã chủ yếu là người già, đối tượng bảo trợ xã hội nên khó khăn trong việc triển khai đào tạo nghề và các mô hình phát triển sinh kế thuộc các dự án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

PV: Thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai công tác giảm nghèo ra sao?

Ông Hà Văn Tuấn: Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu xuyên suốt mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Trà quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Thời gian tới, thị xã sẽ nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở; tranh thủ mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững nhất là vận động nhân dân tham gia các phong trào gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

huongtra-4.jpg
Thị xã Hương Trà tổ chức tập huấn về công tác giảm nghèo

Thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chương trình, dự án có liên quan, nhất là các dự án đề án của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tạo cơ chế chính sách để nhân dân và Nhà nước cùng đầu tư hướng đến cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, dịch vụ trợ giúp pháp lý, an sinh xã hội.

Tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững. Triển khai cụ thể, đồng bộ phong trào “Dòng họ, làng, bản, tổ dân phố không có hộ nghèo” tại các địa bàn dân cư. Tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện; đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tập thể và cá nhân điển hình trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo của thị xã đến cuối năm 2024 còn dưới 1,2 %.

Văn Dinh