Thanh Hóa: Mục tiêu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cho 5.000 hộ nghèo, gia đình chính sách
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ngày 30/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 02 năm 2024 - 2025.
Trong những năm qua, công tác vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Chủ trương, chính sách hỗ trợ xây dựng nhà trên cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà đã được các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm đồng tình hưởng ứng, ủng hộ.
Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn khó khăn do: Ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; bệnh tật; mất sức lao động; người già neo đơn… nên số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn cần được hỗ trợ về nhà.
Để chỉ thị đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc làm phó trưởng ban; thành lập ban vận động ở thôn, bản, tổ dân phố để chỉ đạo, triển khai thực hiện Cuộc vận động, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Ban chỉ đạo các cấp có trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch, triển khai việc vận động và huy động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn theo đúng kế hoạch.
Nâng cao hiệu quả cuộc vận động, quản lý công khai, minh bạch, đúng pháp luật việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn ủng hộ, tài trợ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân, bảo đảm huy động cao nhất mọi nguồn lực từ xã hội để hoàn thành mục tiêu trong thời gian sớm nhất. Phương pháp vận động phải thật sự linh hoạt, hiệu quả, tùy theo phong tục, tập quán của mỗi vùng, miền, điều kiện của mỗi địa phương, đơn vị, cộng đồng dân cư, gia đình, dòng họ để huy động một cách hợp lý, trên cơ sở đồng thuận, thống nhất và phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác của mỗi người dân.
Việc phân bổ, sử dụng các nguồn hỗ trợ phải kịp thời, công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng quy định, theo nguyên tắc: Nguồn huy động được ở cấp tỉnh ưu tiên phân bổ để hỗ trợ cho các huyện miền núi còn nhiều số hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở; nguồn huy động được ở cấp huyện, cấp xã thì hỗ trợ cho đối tượng thuộc huyện, xã đó là chính, đồng thời có sự điều tiết hợp lý từ địa phương có thuận lợi, huy động được nhiều nguồn lực, còn ít nhà ở tạm bợ, dột nát sang cho địa phương khó khăn trong huy động nguồn lực, còn nhiều số lượng nhà ở cần hỗ trợ; khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố miền xuôi hỗ trợ cho các huyện miền núi.
Mục tiêu phấn đấu, từ nay đến ngày 30/9/2025 toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Kinh phí để thực hiện mục tiêu được huy động từ các nguồn lực xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước.
Theo báo cáo, năm 2023, Thanh Hóa được ngân sách Trung ương hỗ trợ phân bổ trên 182 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện nghèo. Tỉnh đã phân bổ 100% nguồn vốn này cho 6 huyện thuộc Chương trình và đến nay đã hỗ trợ xây mới 2.057 căn nhà (đạt trên 44% kế hoạch) và sửa chữa 2.024 căn nhà (đạt trên 52% kế hoạch).