Xã hội

Đường về Pù Luông

Ghi chép của Hồ Huy 04/04/2024 - 16:29

(TN&MT) - Pù Luông về, nhớ suối tìm mường, “O lóc có noong” xoay vòng cọn nước. Pù Luông đi đường Mây thác dốc, “xoong hươn có bản” *mời rượu nâng khăn.

1(2).jpg
3.3.-thac-hieu(2).png

Này là Pù Luông tôi nhớ mười năm, này là Pù Luông tôi thương hai mươi năm, điệu xòe gái Thái giục câu khắp nít lên, nếp nhăn bỏ lại đoạn yêu dòng thương. Nào khúc nào khuỷu, đôi mươi rừng già, ký ức nhốt chặt một Pù Luông xa. Nào Pù Luông thơ, ơi Pù Luông mơ, hỏi ai những tháng, vay ai những ngày...

2.-nhung-ngoi-nha-nghieng-nghieng-ben-suon-nui.png
Những ngôi nhà nghiêng nghiêng bên sườn núi

Đường về Pù Luông rọc rạch như cọn nước bao tháng bao ngày vẫn đều quay tròn quanh. Lạ gì đâu Pù Luông, vậy mà nhớ, vậy mà yêu, vậy mà đổ đèo, vậy mà bò dốc, vậy mà lạch bạch đàn vịt Cổ Lũng đuổi những yêu thương trổ lúa trở về. Đường về Pù Luông ngẩn ngơ xòe hoa. Pù Luông mơ, Pù Luông thơ…

Pù Luông theo tiếng dân tộc Thái là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Đó cũng là tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên rộng hơn 17 nghìn héc ta ở huyện Bá Thước (phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa), nơi mà những bức tranh hùng vỹ đã đòi hỏi quá nhiều sắc màu và những bản tình ca đã vun vén bộn bề âm thanh. Len len lỏi lỏi khắp nơi là những con suối trầm mình ngủ mộng mùa khô để rồi vung tay thượng chân nổi đóa mùa lũ.

3.1-ruong-bac-thang-dep-nhu-mot-buc-tranh.png
Ruộng bậc thang đẹp như một bức tranh

Bình nguyên xanh ngơ xanh ngẩn ráo riết bao bọc những thửa ruộng bậc thang, mà mùa lúa chín đã thoang thoảng ký ức ngọt ngào tuổi trẻ. Có nhiều cách đến Pù Luông, nhưng tôi vẫn chọn đường về Pù Luông hướng hồ Ba Khan (Mai Châu, Hòa Bình), về thác Mây (Thạch Thành, Thanh Hóa) quen thuộc ngày nào.

Cung đường dắt díu tôi qua nhiều mê tơi cảm xúc. Ban đầu chỉ là một đốm xanh mờ xa, ngó qua khỏi khúc cua nó la đà như một bóng lam chiều rồi bất chợt đầy ải con mắt khi phải căng ra mà thu vào thứ màu xanh mạch lạc đổ xuống chân đèo rồi vắt vẻo đường sâu rừng xa. Hồ Ba Khan - cửa ngõ vào Pù Luông như một người đàn bà chứa chan hoài niệm...

16-1-copy(2).jpg

Lúc mặt trời nhu nhú như đứa con gái nhà ai từ dạo Pha Luông, tôi trườn vào vùng đĩa đệm ánh sáng dập dờn ven hồ. Cảm giác mình như một người lao công mùa vụ, dọn dẹp ánh sáng mà tô vẽ cầu vồng. Dưới chân đèo Thung Khe, xanh lim xanh lịm màu lục thủy, ngước lên những ô cửa màu xanh lá non, rồi quả quyết tôi vọt theo tia nước mà lướt đi bụi hồ, chẳng còn chân để đạp mạnh vào cảm xúc, tôi chống mắt nhìn vào tương lai.

Lên xe và đi, trekking men theo sườn núi lại nhớ có những khi offroad xuyên rừng, có những đêm phải ngủ lại Pù Luông, nhớ những ngày thương nhớ vùng cao đã cởi áo xắn quần trong bập bùng ánh lửa giấc mơ đêm Mường thình thịch. Nơi tôi dừng chân là ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái tại bản Nủa, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Từ đây tôi có thể mượn con mắt đại ngàn mà khám phá nhiều địa danh khác trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

4.2.-giao-thong-mo-loi-cho-du-lich-phat-trien.png
Giao thông mở lối cho du lịch phát triển

Bản Nủa về chiều bình yên trong làn khói bay lên từ những mái nhà sàn, hay sự bình yên ấy đã có tự bao đời, có từ thủơ dấu chân tôi hai mươi, bỏ lại sau lưng những buồn vui sôi nổi của một thời tuổi trẻ. Nhìn những đứa trẻ chân trần chạy quăng chạy co trên những thửa ruộng qua mùa còn trơ gốc rạ tôi lại u ơ một khúc đi rừng. Đường về Pù Luông, Pù Luông mơ, Pù Luông thơ…

Thết đãi tôi bằng món đặc sản bản địa vịt Cổ Lũng quen thuộc, chủ nhà Hà Văn Hùng nhấm nhẳng hỏi tôi: “Người anh em Huy Hồ còn nhớ món này không, hay đã quên như mùa lũ đói đã quên như bữa gặt no?” Và “y” cười, để lộ hàm răng vàng tơ hơ như gốc rạ gạ gục chân đèo. Thú thực cuộc sống sau này nếm đủ thứ ngon thức lạ nhưng có những buổi chiều ở một nơi thật không còn là chiều, ngước mắt nhìn làn khói xanh lơ lòm vòm chân trời, mùi nhớ thương Cổ Lũng lại day dứt, lại lờ mờ con mắt, lại cay cay sống mũi, lại ưa ứa dịch vị, lại tơ tơ tưởng tưởng cái thứ vịt nướng Cổ Lũng Pù Luông.

3.2-hang-doi-hang-kho-muong.png
Hang Dơi - Hang Kho Mường

Đường về Pù Luông khác xưa nhiều rồi, dân bản ngày nay đã biết làm homestay, khách đến chơi cũng chẳng còn dính mắt vòng vo mãi những cọn nước đều quay tròn quanh, người ta có đủ thứ để chơi, trong số đó, bể bơi vô cực là một điều lý tưởng. Tôi đã trầm mình trong làn nước mát rừng cội núi già mà ngắm mây trời trong veo trong gương mà dõi về heo hút vô cực năm năm tháng tháng ngày ngày. Đường về Pù Luông gần như một điệu xòe của ai ngày mai, xa như một tiếng thở dài của ai ngày xưa. Pù Luông ư, ai bảo Pù Luông đi nhớ về thương.

Pù Luông cứ buông tuồng thêu thùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang bịn rịn còn mê mải ngóng, đợi một mùa vàng. Trở lại Pù Luông, băng qua những tận tường thâm u, cheo leo những vòi vọi huyền bí và khều lên những cảm xúc bất tỉnh ngã dưới khe sâu, đôi khi tôi ngờ vực những thênh thang đời mình.

4.-nguoi-dan-gio-da-biet-lam-du-lich.png
Người dân giờ đã biết làm du lịch

Cơm nắm muối vừng mà đi, ngập ngừng Pù Luông ở độ cao 1.700m so với mực nước biển mà đến, tôi hoang mang tìm hang Kho Mường, rồi chiều lòng mà thác, rồi chiều hồn mà suối, rồi nhận vơ người cũ Bản Hiêu. Một sớm mai kia, thấy mình cũng như ai nghênh ngang chợ phiên Phố Đoàn. Thấy mình cũng săm sắp kẻ bán người mua, thấy mình cũng thững thừa quên đường dại lối…

Một hôm ở Bang Saphan - thành phố cổ từ thời vương quốc Ayutthaya, tôi nhìn ra quanh đây buổi chiều cũng nhang nhác quê nhà. Đứng từ Bang Saphan nhìn về phía Bang Saphan Noi, nhìn phía Tây là vùng Tanintharyi của Myanma, tôi ngờ ngờ Pù Luông, tôi ngờ ngợ lũ vịt chạy đồng, tôi ngơ ngác những làn khói tím lơ lác nhà ai bay lên.

Trở lại Pù Luông, đường về Pù Luông cứ khiến người ta phải thèm thuồng. Giữa cuộc đời này đâu ai bán, đâu người mua, nhưng cảm xúc là một thứ ế ẩm có giá trị vô thời hạn. Một ngày, ngấp ngái thời gian, yêu thương lại trang hoàng bờ bãi, bầy vịt nhà ai như chợ chạy mùa, càm cạp mê mải, lạch bạch Cổ Lũng, khói thơm béo ngậy cựa quậy ruột gan. Đừng tin tôi, chỉ là một dấu giày, này là Pù Luông…

*“O lóc có noong, xoong hươn có bản” nghĩa là: một vùng nước nhỏ cũng là ao, hai nhà cũng là bản.

Ghi chép của Hồ Huy

Ghi chép của Hồ Huy