Biến đổi khí hậu

Hạn hán và xâm nhập mặn ĐBSCL: Hạn chế thấp nhất mức thiệt hại

Bạch Thanh 04/04/2024 - 09:04

(TN&MT) - Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân sinh tại một số nơi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện tại, các cấp chính quyền địa phương và người dân nơi đây tập trung nhiều giải pháp ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Nhiều hộ dân thiếu nước ngọt

Thời gian qua, do nằm cuối hệ thống cung cấp nước sạch nên hầu hết các hộ dân tại các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang không có nước sinh hoạt. Nhiều người dân nơi đây cho biết: “Khoảng một tháng qua, hầu hết các tuyến kênh, mương nước đã cạn kiệt, ô nhiễm nên không thể sử dụng được nữa. Ruộng vườn đã khô khốc, nứt nẻ nhưng không có nước tưới. Thậm chí ngay cả nước máy dùng cho sinh hoạt gia đình cũng không có đủ sử dụng”.

h1.jpg
Người dân phía Đông tỉnh Tiền Giang chờ lấy nước ngọt

Trước tình cảnh này, tỉnh Tiền Giang đã cho mở 60 vòi nước công cộng miễn phí được lắp đặt dọc các tuyến đường tại các huyện phía Đông, cung cấp 3.000m3 nước mỗi ngày cho người dân. Đối với việc các vòi công cộng bị yếu, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đang phối hợp với Nhà máy nước Đồng Tâm tăng nguồn, phân bổ nước nhằm dồn nước về phía Đông để người dân có nước sử dụng.

Tương tự, gần cả tháng nay, tại một số khu vực vùng hạ của tỉnh Long An như Tân Trụ, Cần Giuộc, Cần Đước cũng rơi vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Thậm chí mỗi khối nước sạch được mua từ các phương tiện vận chuyển từ nơi khác tới có giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/khối. Tình trạng thiếu nguồn nước ngọt đã khiến đời sống sinh hoạt của người dân bị xáo trộn, nhất là những ngày này khi mùa khô, nắng nóng đang hết sức gay gắt.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Long An, việc thiếu nước sinh hoạt của các hộ dân do trạm cấp nước công suất bơm không đủ lượng nước tiêu thụ. Hiện Trung tâm đã lập thủ tục cấp phép tăng công suất nguồn nước cho trạm và tiến hành khóa tuyến điều tiết nguồn nước luân phiên theo khu vực.

Trong khi đó, hiện tại, tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500m3/giờ. Tuy nhiên, do mặn xâm nhập sâu đã ảnh hưởng đến nguồn lấy nước của các nhà máy này. Theo thống kê, có 17 nhà máy nước có độ mặn nước cấp dưới 0,5‰; 9 nhà máy nước có độ mặn nước cấp từ 0,5 - 1‰; còn lại 37 nhà máy nước có độ mặn nước cấp trên 1‰, có nguy cơ gây thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường khả năng ứng phó

Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết: Trước tình hình hạn mặn diễn biến gay gắt, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát, kiểm tra kỹ lại các xã, các vùng người dân đang sử dụng nước bị nhiễm mặn để kịp thời xử lý giúp người dân có nước ngọt sinh hoạt. Giải pháp trước mắt là chủ trì kết nối các nhà máy cấp nước trên địa bàn, để nhà máy có nước ngọt chia sẻ cho nhà máy có nguồn nước bị nhiễm mặn, đảm bảo đủ nước ngọt cung cấp cho người dân sinh hoạt.

h2.jpg

Song song đó, tỉnh Bến Tre cũng sẽ tận dụng hết các máy lọc RO có trên địa bàn tỉnh, đồng thời, phát động khơi các giếng nước ngọt hiện có để phục vụ cho dân. Cụ thể, nơi nào nhà máy nước bị nhiễm mặn mà không có điều kiện kết nối với nguồn nước ngọt thì nhà máy phải chở nước ngọt về cung cấp cho dân đủ nước sinh hoạt. Với các nhà máy nguồn nước có độ mặn cho phép thì tăng công suất cấp nước để hỗ trợ cho các nhà máy có nguồn nước bị nhiễm mặn...

Tại Long An, lãnh đạo UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo tập trung quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh nguồn nước để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đặc biệt, tỉnh có kế hoạch vận hành, điều tiết hợp lý các cống đầu mối, trạm bơm điện... nhằm đảm bảo ngăn mặn hiệu quả, điều hòa, phân bổ, cấp nước hợp lý, góp phần đáp ứng nguồn nước ngọt cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như cấp nước sinh hoạt xuyên suốt mùa khô.

Trong khi đó, tại Tiền Giang, trước diễn biến gay gắt của hạn mặn, tất cả các cống ngăn mặn tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, Dự án Bảo Định, Dự án Phú Thạnh - Phú Đông của tỉnh Tiền Giang và các cống trên đường tỉnh 864 đều đã đóng để ngăn mặn. Riêng tại vùng trọng điểm trồng cây ăn trái, bên cạnh các giải pháp công trình được đầu tư trong thời gian qua, các giải pháp phi công trình cũng được các ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện.

Bạch Thanh