Biến đổi khí hậu

Sông nhiễm mặn, Quảng Nam lo thiếu nước sản xuất

Lan Anh 03/04/2024 - 16:32

Các nhà máy thủy điện đang được yêu cầu giữ lại nước đến ngày 30/4 để đảm bảo cung ứng điện, trong khi mới đầu mùa khô nước mặn liên tục xâm nhập trên các sông Vu Gia- Thu Bồn. Hàng nghìn ha lúa vụ Đông Xuân ở địa phương đang có nguy cơ thất thu vì thiếu nước tưới.

Nguy cơ vụ mùa thất thu

Huyện Duy Xuyên là một trong ba địa phương có diện tích lúa Đông Xuân nhiều nhất của tỉnh Quảng Nam. Vụ Đông Xuân năm nay, địa phương gieo sạ gần 500 ha lúa, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước tưới của trạm bơm điện 19/5. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 3 đến nay, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào bể hút của trạm bơm điện 19/5 với nồng độ khá cao khiến công trình thủy lợi trọng yếu này hoạt động cầm chừng không thể phục vụ tưới tiêu. Hiện đang là thời kỳ cây lúa làm đòng nên việc thiếu nước tưới khiến bà con hết sức lo lắng.

han2.jpg
Bà con ở huyện Duy Xuyên đang đứng ngồi không yên khi hàng trăm ha lúa đang thời kỳ trổ đòng nhưng bị thiếu nước tưới

Ông Lưu Văn Dũng, ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, vụ Đông Xuân năm nay gia đình ông sản xuất 6 sào lúa, nguồn nước chủ yếu lấy từ sông Thu Bồn qua Trạm bơm điện 19/5. Tuy nhiên, nước mặn liên tục xâm nhập đang ảnh hưởng quá trình phát triển của cây lúa.

“Hiện nay lúa đang giai đoạn trổ bông, nếu tình hình nhiễm mặn không được cải thiện thì nguy cơ vụ mùa năm nay sẽ bị thất thu. Mấy ngày nay, HTX đang bơm nước từ sông Thu Bồn lách triều để cung nước tưới cho hoa màu. Vụ hè thu tới, những diện tích lúa của gia đình tôi khó lấy nước thì chuyển qua trồng rau màu”, ông Dũng nói.

Ông Lê Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trên địa bàn xã có 492 ha, hiện nay cây lúa đang thời kỳ trổ đòng, tuy nhiên tình trạng xâm nhập mặn trên sông Thu Bồn ảnh hưởng đến quá trình phát triển cây lúa. Dù địa phương đã có những giải pháp tạm thời nhưng thực trạng này làm cho người dân lo lắng đến nguồn nước tưới và năng suất lúa.

han3.jpg
Các trạm bơm phải ngưng hoạt động vì thiếu nước

“Chính quyền địa phương yêu cầu ngành nông nghiệp thường xuyên đo nồng độ mặn trên sông Thu Bồn để kịp thời bơm nước phục vụ tưới tiêu cho các cánh lúa ở địa phương. Về lâu dài, địa phương khuyến cáo nông dân chuyển đổi những diện tích lúa không chủ động nguồn nước tưới sang trồng cây hoa màu”, ông Đào cho hay.

Chủ động ứng phó

Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, vụ Đông Xuân năm nay địa phương này gieo sạ 41.500 ha lúa, hiện nay nhiều diện tích đã trổ bông. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa ở vùng hạ du sông Thu Bồn đang xảy ra hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Đơn vị đã phối hợp các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn tổ chức vận hành nước để cơ bản đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 1.100 ha đất lúa không chủ động nguồn nước sang trồng các loại cây trồng cạn, hoa màu. Đồng thời hỗ trợ, khuyến kích người dân sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Trước dự báo nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng, để chủ động ứng phó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Sở NNPTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn Sở NN&PTNT. Đồng thời đơn vị chỉ đạo các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng và triển khai các biện pháp ứng phó; Xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp; thường xuyên kiểm kê nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, đập dâng để tổ chức cấp nước tiết kiệm; Áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tưới luân phiên, tưới “khô, ướt xen kẽ”; thường xuyên kiểm tra và vệ sinh thông thoáng các tuyến kênh dẫn nước nhằm hạn chế tổn thất nước trên kênh.

han1.jpg
Cán bộ nông nghiệp thường xuyên túc trực đo nồng độ mặn ở bể hút của Trạm bơm 19/5.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty CP Thủy điện A Vương, Công ty Thủy điện Sông Tranh, Công ty CP Phú Thạnh Mỹ, Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện I, Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sông Bung tổ chức vận hành xả nước qua phát điện để hạ du chống hạn và đẩy mặn.

Lan Anh