Xã hội

Chanh leo, cây giảm nghèo ở Phong Thổ (Lai Châu)

Hoàng Châu 03/04/2024 - 10:43

(TN&MT) - Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Hiện nay, cây chanh leo phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, chanh leo giúp người dân vươn lên phát triền về kinh tế hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.034,60km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 10%, số còn lại chủ yếu là diện tích đất lâm nghiệp bao phủ gần như toàn bộ diện tích của huyện. Và diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là đất nương đồi, địa hình dốc.

Trước thực tế đó, đòi hỏi ngành nông nghiệp của huyện Phong Thổ luôn phải tìm hướng đi riêng để đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế nông nghiệp trên đất dốc. Những năm trước đây, cây chuối là một trong những giống cây chủ lực của Phong Thổ, mỗi năm huyện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tử khu cửa khẩu kinh tế Ma Lù Thàng khoảng vài chục nghìn tấn/năm.

a1.jpg
Người dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại cây chuối đã hết kỳ sinh trưởng chuyển dần thoái hóa, sâu bệnh, già cỗi… thị trường tiêu thụ từ sau đại dịch Covid -19 năm 2021, 2022 đã khiến cho sản phẩm chuối của huyện Phong Thổ không bán được, người dân đành phải vứt bỏ hoặc băm cho lợn ăn dần.

Cùng với đó, tình trạng hạn hán thiếu nước tại một số diện tích lúa nước canh tác 1 vụ, diện tích trồng ngô, khoai vì thí cũng bị ảnh hưởng theo. Đứng trước những khó khăn về thời tiết, điều kiện đất dốc buộc ngành nông nghiệp của huyện có những định hướng để người dân thay đổi cơ cấu cây trồng tại những vị trí đất nương trồng ngô, lúa không hiệu quả.

Và giống chanh leo là một trong những loại cây trồng được huyện ưu tiên chọn trồng; với đặc tính ít mất công chăm sóc, đồng bào DTTS nơi đây chuyển hướng trồng chanh leo bởi nhờ chính sách ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh và của trung ương. Từ đó, người dân đã có điều kiện chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng chanh leo, tăng thu nhập, thoát nghèo.

Là một trong những hộ đầu tiên ở Phong Thổ trồng chanh leo thành công, anh Giàng A Nủ, bản Dền Thàng B, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, cho biết: “Dào San có độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, khí hậu trong lành, mát mẻ, phù hợp trồng loại cây chanh leo này. Đây là loại cây không mất nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư ít.

a2.jpg
Mô hình cây chanh leo trồng thí điểm đã cho sản phẩm

Tháng 12/2022, gia đình tôi đầu tư trồng 2ha chanh leo tím trên đất nương của gia đình. Chanh leo có chu kỳ sinh trưởng khoảng 5 năm. Để cho canh leo phát triển tốt thì khâu làm đất cần kỹ trước 1 tháng; cần làm sạch cỏ dại, rắc vôi bột để khử trùng đất. Đặc biệt là sử dụng phân chuồng để bón cho cây, chanh leo sẽ không bị sâu bệnh. Và tháng 5 vừa rồi vườn chanh đã cho lứa quả đầu tiên với sản lượng, chất lượng tốt, gia đình tôi bán lẻ từ 10 - 15 nghìn đồng/kg tùy thời điểm và tùy loại quả.” - Anh Nủ kể.

Được biết, chanh leo trồng trên đất Phong Thổ có vị chua nhẹ, ngọt hậu, khách hàng phản hồi khá tốt và thường đặt hàng với số lượng lớn, thường xuyên. Chỉ sau 7 tháng bán quả, gia đình anh Nủ thu hơn 70 triệu đồng. Trồng chanh leo không chỉ đem lại thu nhập mà còn giải quyết việc làm cho thành viên trong gia đình và một số lao động nông thôn trong và ngoài xã trên địa bàn huyện Phong Thổ.

Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển cho cây chanh leo tại địa bàn, ông Vương Biên Thùy, Chủ tịch UBND xã Dào San, huyện Phong Thổ, cho biết: Xã Dào San đã khảo sát nguyện vọng của bà con trên địa bàn và xây dựng kế hoạch trình huyện Phong Thổ, để xin chủ trương hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật triển khai nhân rộng mô hình; ban đầu dự kiến sẽ triển khai trồng 22ha.

Và để đảm bảo kế hoạch trồng, đem lại năng suất, sản lượng tốt, vừa qua chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp dạy kỹ thuật trồng chanh leo cho trưởng bản, bí thư chi bộ và người dân trên địa bàn. Mô hình của gia đình anh Giàng A Nủ đã khẳng định được sự phù hợp cũng như lợi ích mà cây chanh leo mang lại cho người dân.

3-3.jpg
Mùa quả đầu tiên giúp người nông dân có thu nhập hàng trăm triệu từ mô hình phát triển sản xuất nông sản theo hướng hàng hoá tập trung.

Trên địa bàn huyện Phong Thổ ngoài xã Dào San còn có xã Bản Lang cũng là một trong những xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây kém hiệu quả sang trồng chanh leo. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn xã Bản Lang được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ triển khai thực hiện từ tháng 7/2022 với diện tích gần 28ha.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện và các hộ tham gia, đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở xã Bản Lang, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng hành cùng bà con có Công ty Cổ phần chanh leo Lai Châu ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với mức giá dao động từ 15 - 17 nghìn đồng/kg.Với năng suất và giá bán này, khi toàn bộ diện tích chanh leo cho thu hoạch, tổng doanh thu ước đạt 15 tỷ đồng một năm, trừ chi phí người dân sẽ đạt lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/ha/năm. - Ông Thủy cho biết.

Để có các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công như hiện nay trên địa bàn Phong Thổ và một số huyện khác của tỉnh Lai Châu là nhờ từ các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp giúp bào DTTS xây dựng các mô hình kinh tế sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, qua đó giúp bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Hoàng Châu