Hậu Giang bảo vệ môi trường: Nhiều chuyển biến tích cực
(TN&MT) - Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, người dân, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang ngày càng bền vững.
Đạt nhiều kết quả quan trọng
Báo cáo công tác BVMT năm 2023 của UBND tỉnh Hậu Giang mới đây cho thấy, kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, đa số các thông số có kết quả thấp và nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2023/BTNMT, QCVN 26:2010/BTNMT và QCVN 06:2009/BTNMT; phần lớn các thông số quan trắc nước mặt đều ở ngưỡng thấp và nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép, không có hiện tượng ô nhiễm nguồn nước mặt; chất lượng môi trường đất mặt năm 2023 đều thấp hơn so với các năm trước, tất cả các vị trí quan trắc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gốc clo hữu cơ và gốc photpho hữu cơ trong đất đều có giá trị không phát hiện.
Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2023 các đơn vị công ích đã thu gom, vận chuyển, xử lý tổng cộng hơn 169.952 tấn chất thải rắn sinh hoạt (khu vực đô thị 74.174 tấn, nông thôn trên 95.777 tấn), đạt tỷ lệ 92%; hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để 7/7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; không có phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về BVMT theo quy định.
Song song với đó, tỉnh Hậu Giang cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, lực lượng vũ trang, công nhân lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cộng đồng dân cư trong BVMT thông qua nhiều hình thức như phát động, mít-tinh, tập huấn, hội nghị, hội thi, xây dựng mô hình và các phương tiện truyền thông.
Trong năm 2023, Sở TN&MT đã phối hợp tổ chức 57 lớp tập huấn về công tác BVMT với hơn 3.300 lượt người dự; xây dựng các phóng sự, chuyên trang, chuyên đề, thông điệp tuyên truyền bảo vệ môi trường nhân các sự kiện Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Đa dạng sinh học, Ngày Đất ngập nước thế giới; lắp đặt 254 pano, phát hành 67.300 tài liệu tuyên truyền các loại, 200 nón kết, 600 áo thun, 7.200 túi môi trường có in khẩu hiệu tuyên truyền về BVMT.
Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động hàng chục ngàn lượt người dân ra quân tổng vệ sinh môi trường, phát hoang, trồng cây xanh, hoa kiểng; thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, hệ thống thoát nước, trồng và chăm sóc cây xanh, hoa kiểng; đồng thời triển khai nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý rác thải, chất thải như mô hình "Xây dựng đường hoa nhà sạch; "Phụ nữ sống xanh"; "Biến rác thải thành cây xanh"; "Ngôi nhà 100 đồng", "Gia đình sạch vì môi trường xanh".
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác BVMT, song UBND tỉnh Hậu Giang cũng chỉ ra rằng, việc một số cụm công nghiệp, khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo quy định; chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn đổ lộ thiên; tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng còn thấp; nguồn thải trong nuôi trồng thủy sản phát sinh nước thải ngày càng lớn; hoạt động sản xuất than củi tại huyện Châu Thành và TP. Ngã Bảy chưa được xử lý triệt để... đã có những tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí trên địa bàn tỉnh, từ đó đặt ra nhiều thách thức đối với công tác BVMT trong thời gian tới.
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp
Nhằm duy trì chất lượng môi trường đất, nước, không khí luôn trong ngưỡng giới hạn cho phép, theo kế hoạch trong năm 2024, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện đề án Kiểm soát môi trường tại khu vực sản xuất than củi trên địa bàn tỉnh làm cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát, xử lý khí thải phát sinh trong hoạt động sản xuất than củi, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại khu vực sản xuất than củi tại TP. Ngã Bảy và huyện Châu Thành; đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành Nhà máy điện rác và hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị TP. Vị Thanh và TP. Ngã Bảy; đồng thời triển khai phương án đóng cửa, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác Tân Tiến (TP. Vị Thanh) và bãi rác Long Mỹ (TX. Long Mỹ).
Cạnh đó, tỉnh Hậu Giang còn triển khai các mô hình BVMT, nhất là mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương; thực hiện việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đảm bảo các yêu cầu về BVMT ngay từ khâu xây dựng quy hoạch, kế hoạch, xét duyệt dự án đầu tư, bảo đảm nội dung các quy hoạch, kế hoạch, dự án phải thỏa mãn quy định các yêu cầu về BVMT từ khâu lập, phê duyệt, triển khai thực hiện.
Đặc biệt, trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh Hậu Giang sẽ sàng lọc, lựa chọn, ưu tiên các ngành nghề sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, ít phát sinh chất thải; kiên quyết không phê duyệt các dự án đầu tư mới có loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và không cho phép cơ sở đi vào hoạt động khi công trình BVMT chưa được xây lắp hoàn thiện theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, chưa đáp ứng xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường.
Tỉnh Hậu Giang cũng sẽ giám sát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nhập khẩu phế liệu, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng gây nguy hại cho môi trường và các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện các giải pháp BVMT trong quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với trọng tâm là tăng cường công tác quản lý, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải trong sản xuất nông nghiệp phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo nội dung "Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; "Chương trình BVMT tỉnh Hậu Giang 5 năm (2021 - 2025)" của tỉnh và các quy định của pháp luật; xây dựng dự thảo Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2027, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT; giữ gìn vệ sinh chung ở nơi công cộng và trong cộng đồng; quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải trong sản xuất nông nghiệp; phát triển các môi hình cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định phát luật về BVMT của tổ chức, cá nhân; công bố công khai các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm với môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.