Môi trường

Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi tại Sơn La: Chủ động rà soát, phòng ngừa ô nhiễm

Nguyễn Nga 02/04/2024 - 11:54

(TN&MT) - Toàn tỉnh Sơn La hiện có 569 trang trại, gồm 13 trang trại quy mô lớn, 304 trang trại quy mô vừa, 252 trang trại quy mô nhỏ.

Bên cạnh các trang trại được đầu tư tập trung, vẫn phổ biến hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, nằm xen kẽ khu dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Chú trọng kiểm tra, giám sát

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, UBND các huyện, thành phố đã rà soát các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi để kịp thời hỗ trợ di dời. Thành lập, duy trì Tổ công tác cấp huyện kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ.

Theo lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Mộc Châu, qua rà soát, toàn huyện có hơn 20.000 hộ gia đình, cá nhân hoạt động chăn nuôi tại 13 xã, trong đó, có 2 trang trại quy mô lớn, 413 trang trại quy mô vừa, 346 trang trại quy mô nhỏ và trên 19.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chủ động kiểm soát ô nhiễm, huyện Mộc Châu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý một số cơ sở chăn nuôi chưa chú trọng bảo vệ môi trường, còn để rò rỉ nước thải ra ngoài môi trường.

6a.jpg
Sở TN&MT tỉnh kiểm tra khu vực hệ thống xử lý nước thải của Trại lợn Cao Đa, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên.

Mai Sơn cũng là địa phương có số lượng lớn cơ sở chăn nuôi, với 106 trang trại, gồm: 7 trang trại đại gia súc; 94 trang trại tiểu gia súc; 5 trang trại gia cầm. Trong năm 2023, chính quyền địa phương đã phát hiện, xử lý 7 cơ sở có vi phạm về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, tổng tiền phạt gần 150 triệu đồng.

Còn tại Quỳnh Nhai, qua rà soát, toàn huyện có 1.996 cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi nông hộ đang hoạt động. Kết quả kiểm tra, đa số các cơ sở đều chưa đáp ứng yêu cầu theo Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018, chưa xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu Điều 60 Luật Chăn nuôi năm 2018.

Chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang tập trung

Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh, những năm qua, hoạt động chăn nuôi đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn thu nhập cho nhiều tổ chức, hộ gia đình. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng đàn, tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi cũng gia tăng, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, hình thức chăn nuôi lạc hậu.

Ngày 18/4/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND quy định khu vực nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Song, quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chăn nuôi, những năm qua, Sở TN&MT đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở chăn nuôi quy mô tập trung thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.

Trong năm 2023, đã tham mưu UBND tỉnh cấp 2 giấy phép môi trường; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường với 3 cơ sở; khảo sát thực trạng thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi (bò) trên địa bàn huyện Mộc Châu. Tiếp nhận 3 phản ánh liên quan đến chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, huyện Mường La, Mộc Châu; đã chuyển nội dung phản ánh cho UBND cấp huyện xử lý theo thẩm quyền.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Hiện nay, các nhà đầu tư đang có xu hướng di chuyển hoạt động chăn nuôi về các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Sơn La. Với điều kiện địa chất của tỉnh, có nhiều hang động caster, chất thải chăn nuôi nếu không được kiểm soát sẽ có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Do đó, thời gian tới, Sơn La sẽ xem xét phát triển chăn nuôi tập trung với quy mô, cơ cấu đàn hợp lý, tạo sự dịch chuyển theo hướng chuyển đổi nhanh, bền vững từ chăn nuôi nông hộ nhỏ sang chăn nuôi tập trung với hình thức trang trại, đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi phù hợp với đặc điểm, lợi thế của tỉnh nhằm khai thác lợi thế về đất đai, lao động và các giống vật nuôi phù hợp ở các vùng sinh thái. Huy động được các nguồn lực tham gia phát triển chăn nuôi, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường. Đối với chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, phải được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng và mục đích khác, đảm bảo không gây ô nhiễm.

Sở TN&MT sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng, vận hành các công trình xử lý chất thải phát sinh, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.

Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi tới các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Hướng dẫn, đôn đốc yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường chăn nuôi (nếu có).

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Gắn trách nhiệm quản lý môi trường trên địa bàn quản lý với trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường thành điểm nóng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân.

Nguyễn Nga