Xã hội

Hữu Lũng (Lạng Sơn): Hỗ trợ vốn, kiến thức để giảm nghèo bền vững

Hoàng Nghĩa 01/04/2024 - 11:30

(TN&MT) - Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững. Đến nay, Hữu Lũng còn 1.372 hộ nghèo, tỷ lệ 4,3%, là 1 trong 3 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh.

Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, hàng năm, Hữu Lũng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; thành lập tổ giúp việc phân công các thành viên phụ trách công tác giảm nghèo tại các thôn, xã; rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để xác định rõ nguyên nhân, có kế hoạch, lộ trình hỗ trợ phù hợp.

Song song đó, tăng cường tuyên truyền, truyền thông chính sách giảm nghèo đến các thôn, khu phố, chú trọng địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nghèo, hộ nghèo, các tổ chức, cá nhân có liên quan về công tác giảm nghèo đa chiều, giáo dục nghề nghiệp, việc làm.

screenshot_20230627_133901_facebook.jpg
Người dân Hữu Lũng tích cực lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập.

Gắn công tác tuyên truyền với việc triển khai các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”, tạo nguồn lực góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Theo UBND huyện Hữu Lũng, qua công tác rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo là do người dân thiếu kiến thức và vốn để phát triển sản xuất.

Từ đó, UBND huyện đã có kế hoạch hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, phát triển các mô hình kinh tế; học tập kinh nghiệm sản xuất, phương thức sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, phân bón cho hộ nghèo; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho các hộ….

Kết quả, từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã triển khai hỗ trợ 14 mô hình chăn nuôi bò thương phẩm, bò sinh sản và trồng cỏ voi cho 278 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại 13 xã với tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng.

Hỗ trợ 6 xã triển khai mô hình chăn nuôi ngựa, gà và hỗ trợ phân bón cho người dân phát triển sản xuất với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Tạo điều kiện cho hơn 1.000 lượt hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền trên 73 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho hơn 2.600 lao động; tổ chức 11 buổi tuyên truyền về chính sách dạy nghề và giải quyết việc làm tại 8 xã….

Các chính sách an sinh xã hội cho người dân được quan tâm chú trọng. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách được miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 311 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ tiền điện cho hơn 2.200 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 128 hộ…

img_20230610_171119.jpg
Trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi bò thương phẩm, bò sinh sản, mang lại giá trị kinh tế.

Theo UBND huyện Hữu Lũng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của nhân dân, các dự án, chính sách giảm nghèo đã được triển khai hiệu quả, người nghèo đã được tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội, trước hết là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin, việc làm.

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được quan tâm đầu tư và từng bước được nâng cao. Các chương trình y tế, giáo dục, mạng lưới thông tin tuyên truyền được các cấp, các ngành quan tâm đã đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Đặc biệt, công tác giảm nghèo đã được thực hiện theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, ưu tiên hỗ trợ người dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Không phân tán, dàn trải, lãng phí, bảo đảm tính công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ của cộng đồng và người dân. Phân bổ vốn thực hiện các mô hình giảm nghèo về các xã làm chủ đầu tư thực hiện chương trình phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương.

Năm 2024, Hữu Lũng tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt từ 3% trở lên; duy trì mục tiêu 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân khu vực.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Hữu Lũng xác định, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo bằng những hình thức, nội dung phù hợp, đưa các chính sách đi vào đời sống người dân. Nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tích cực tham gia các hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm, góp vốn để thực hiện các dự án hỗ trợ, cam kết thoát nghèo.

Lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo với các chương trình dạy nghề, tạo việc làm, phát triển nông - lâm nghiệp, dịch vụ, giao thông, thủy lợi và các chương trình về y tế, chăm sóc trẻ em, giáo dục đào tạo.... Trước mắt, tập trung hỗ trợ cho các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vùng khó khăn từng bước cải thiện đời sống, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo, xã nghèo, đảm bảo chính sách đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, phát huy hiệu quả cao.

20200822_150125.jpg
Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Hữu Lũng hiện còn 4,3%, là 1 trong 3 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh.

Đồng thời tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng các cách làm hay, sáng tạo, tạo thành phong trào cùng nhau phấn đấu nỗ lực đăng ký thoát nghèo.

Hoàng Nghĩa