Phát huy vai trò của công nhân lao động trong bảo vệ môi trường
Chiều 29/3, tại Hà Nội, Báo Lao động tổ chức Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2023, nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức công đoàn, người lao động trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Đức Thành – Phó Tổng biên tập Báo Lao động cho biết: Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động trao đổi để tìm ra các giải pháp hiệu quả ứng phó với ô nhiễm môi trường đang diễn ra phức tạp, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng như nêu cao vai trò, trách nhiệm của từng người lao động trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường. Đồng thời diễn đàn là nơi tôn vinh các sáng kiến nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về nỗ lực bảo vệ môi trường của các cấp công đoàn, ông Đỗ Việt Đức - Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Thời gian qua, các cấp công đoàn đã ban hành Kế hoạch và tổ chức tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện nhiều hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, như tổ chức trồng cây xanh, vườn hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong doanh nghiệp, đơn vị; cải tiến kỹ thuật, máy thiết bị để giảm tiêu hao năng lượng và chất thải độc hại ra môi trường.
Trong tháng Hành động vì môi trường hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, công đoàn các cấp tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ để chống rác thải nhựa. Nhiều địa phương, đơn vị, cơ sở đổi mới hình thức tuyên truyền như treo pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền. Các cấp Công đoàn đã tổ chức chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường, cơ quan, nơi làm việc, khu vực công cộng, vệ sinh đường phố khu dân cư, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh làm thay đổi diện mạo, cảnh quan, môi trường sạch, đẹp hơn.
Kết quả, năm 2023, các cấp công đoàn đã in và phát hành 602.393 tờ gấp, khẩu hiệu, áp phích về công tác bảo vệ môi trường; tổ chức 11.583 buổi phát thanh truyền hình, chương trình tọa đàm, tập huấn, phổ biến kiến thức; xuất bản, đăng tải 3.279 bản tin, bài, phóng sự, lượt qua loa tại doanh nghiệp về bảo vệ môi trường để tuyên truyền đến 424.779 đoàn viên và người lao động. Các đoàn viên công đoàn trên khắp cả nước đã tổ chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường được 1.794.121 km đường giao thông, tại các điểm về môi trường được 899.032 km; hỗ trợ 669 thùng rác và thu gom, vận chuyển được và xử lý 800.831 tấn chất thải, rác thải nguy hại, chất thải sinh hoạt; phát 350.000 túi thân thiện môi trường để đi chợ mua sắm, hạn chế sử dụng túi ni-lông.
Ông Dương Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, bằng các hành động thiết thực, các đoàn viên Công đoàn ở các cấp ngành tài nguyên và môi trường cũng thực hiện nhiều phong trào ý nghĩa. Các đơn vị thuộc Bộ ban hành bộ quy tắc ứng xử và văn hoá công sơ, trong đó quy định việc tổ chức phân loại rác thải sinh hoạt và chuyển rác thải nhựa cho đơn vị thu gom, tái chế đúng quy định.
Bên cạnh đó, các cán bộ, công đoàn viên Bộ TN&MT rất ý thức và hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa và đã có hành vi hạn chế sử dụng nhựa dùng 1 lần (không dùng túi ni-lông tại siêu thị, chợ dân sinh; không dùng khay/cốc/bát/đũa/thìa nhựa khi ăn uống và sử dụng dịch vụ tiêu dùng tại cơ quan và các cơ sở dịch vụ; phân loại nhựa tại gia đình và chuyển cho các cơ sở/cá nhân thu gom để không hoà lẫn vào rác thải hộ gia đình….)
Từ kinh nghiệm của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Urenco cho biết: Với quan điểm mỗi công nhân chính là tuyên truyền viên, Công ty đã nâng cao kiến thức thu gom rác và rác thải nhựa cho công nhân. Đoàn viên Công đoàn đóng vai trò quan trọng. Công nhân của Công ty vừa thu gom, vừa giải thích, vận động cho người dân tập kết rác đúng quy định, đúng giờ.
Hiện Urenco thực hiện chương trình thu gom rác tái chế đối với công nhân. Chương trình đang thí điểm tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm vào thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần. Kết quả bước đầu đã hình thành ngành tái chế thành 1 ngành trọng điểm. Theo bà Hạnh, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tuyên truyền, hướng dẫn người dân; có chính sách về kinh tế để người dân tham gia tái chế nhựa một cách bền vững, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác tái chế.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, người lao động có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra tín chỉ carbon chất lượng, người lao động nỗ lực, cùng cộng đồng chung tay giảm phát thải khí nhà kính, CO2, từ đó, tạo ra được tín chỉ carbon chất lượng. Đó là cách để người lao động làm trong trong lộ trình giảm phát thải về 0 vào năm 2050.
“Trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải trả tiền cho tín chỉ carbon, phải trả tiền khi xả thải rác, gây ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của chúng ta là tăng hấp thụ carbon, từ rừng, từ biển. Chất lượng tín chỉ carbon phụ thuộc rất lớn vào các đơn vị bảo vệ rừng, bảo đảm các điều kiện an toàn về chất lượng sống của công nhân, người lao động”- PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho hay.
Tại Diễn đàn, một số chuyên gia đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng văn hóa người lao động, tổ chức tôn vinh những sáng kiến của người lao động, công nhân trong thu gom rác thải, bảo vệ môi trường.